Hà Nội: Xe buýt “hút khách” nhờ tăng kết nối với đường sắt đô thị

Thời gian gần đây, lượng hành khách đi xe buýt tại Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng phương tiện, nhân sự phục vụ thì việc tăng kết nối giữa xe buýt với các loại hình khác đã thật sự tạo thêm sức hút, thuận tiện cho người dân đi lại.
0:00 / 0:00
0:00
Các tuyến buýt, điểm dừng xe buýt được bố trí hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho hành khách đi lại. (Ảnh: Hương Trà)
Các tuyến buýt, điểm dừng xe buýt được bố trí hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho hành khách đi lại. (Ảnh: Hương Trà)

Đang đứng chờ xe buýt, anh Trần Văn Hà (ở quận Hà Đông) làm việc ở đường Võ Chí Công, nên ngày nào cũng chọn lộ trình đi bộ ra tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, sau đó từ Cát Linh thêm một chặng xe buýt nữa là đến công ty làm việc.

“Thật may là có xe buýt kết nối ngay bên ngoài ga tàu điện, rất là tiện lợi, vừa đỡ tắc đường, vừa sạch sẽ”, anh Hà chia sẻ.

Không chỉ có anh Hà, mà rất nhiều người dân cũng đánh giá cao khả năng kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng và giữa chính các tuyến xe buýt của Thủ đô với nhau.

Theo dự báo, có khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân đi đường sắt đô thị nên với việc điều chỉnh mạng lưới kết nối, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá, năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải khách công cộng tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ bến xe Yên Nghĩa-Ngã Tư Sở) tăng từ 3-4 lần so hiện nay, đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.

Cá biệt, lưu lượng xe taxi, Grab... hoạt động dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị khi đó cũng sẽ giảm do người dân sẽ có xu hướng sử dụng xe buýt đến các nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông để trung chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị do có chi phí đi lại thấp, giảm thời gian đi lại và không bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc giao thông...

Điển hình là từ ngày 1/7/2022, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội tổ chức vận hành tuyến buýt số 146 (Hào Nam-Khu liên cơ Võ Chí Công-Hào Nam). Tuyến buýt được kết nối với tuyến đường sắt 2A Cát Linh-Hà Đông tại Hào Nam đến các điểm thu hút hành khách, khu vui chơi giải trí, khu phố cổ Hà Nội, khu vực liên cơ quan và mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đáng chú ý, tuyến buýt số 146 sử dụng phương tiện có sức chứa 22 chỗ, nhỏ gọn, phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua.

Hiện, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến. Trong đó, 132 tuyến buýt trợ giá, tám tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn đầu, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông mới đi vào khai thác, Trung tâm bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến; trong đó có bổ sung 17 điểm, di chuyển chín điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m; có 55 tuyến buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị.

Để hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga, trên dọc hành trình của tuyến đường sắt đô thị số 2A, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng lên phương án kết nối các tuyến buýt với đường sắt đô thị. Cụ thể, sẽ lắp đặt các điểm dừng xe buýt sát chân cầu thang lên nhà ga đường sắt đô thị.

“Đề xuất tổ chức phân tách khu vực cho xe buýt hoạt động tại các nhà ga để hạn chế tối đa tình trạng các phương tiện khác chiếm dụng, cản trở xe buýt tiếp cận dừng đón trả khách tại các nhà ga”, ông Hải thông tin.

Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến buýt kết nối; Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến buýt kết nối. Ga có ít tuyến buýt kết nối nhất là ga Hà Đông với sáu tuyến buýt kết nối. Các tuyến buýt, điểm dừng xe buýt được bố trí hợp lý để bảo đảm thuận lợi cho hành khách đi lại với mục tiêu không để hành khách phải chuyển tuyến quá một lần trong hành trình.

Cùng với đó, trong chín tháng đầu năm 2022, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thực hiện mở mới và đưa vào hoạt động 5 tuyến buýt (tuyến số 142, 143, 144, 145, 146) kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Đáng chú ý, thay vì sử dụng xe buýt cỡ lớn (sức chứa 60-80 chỗ), phương tiện hoạt động trên tuyến mới này là xe buýt nhãn hiệu Gaz, sức chứa 22 chỗ, nhỏ gọn nên phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua, nhất là các tuyến phố có mặt cắt nhỏ, để làm nhiệm vụ gom khách cho đường sắt đô thị.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, việc triển khai nói trên sẽ giúp kết nối vận tải khách theo hướng đa phương thức, nhằm tăng cường khả năng kết nối, trung chuyển hành khách giữa đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt, tạo thuận lợi cho hành khách khi sử dụng phương tiện công cộng; đồng thời, tăng khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các trung tâm phát sinh nhu cầu như: Khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị, khu công nghiệp, chung cư...

Đại diện Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội (đơn vị đang vận hành 4/7 tuyến buýt mini) cho biết, các tuyến xe buýt nhỏ mới chỉ được đầu tư khai thác từ năm 2021.

Qua quá trình hoạt động, công ty đánh giá loại xe buýt này đã tăng khả năng tiếp cận các tuyến phố nhỏ, thuận tiện cho việc gom khách từ các tuyến nhánh, khu vực dân cư, văn phòng đến khu vui chơi giải trí, khu liên cơ quan, nhất là kết nối với các tuyến vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT và các tuyến buýt trục có sức chứa lớn.

Đến nay, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 100%), 510/579 số xã, phường thị trấn (88%), 65/75 bệnh viện (87%), 192/286 số trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (67%). Xe buýt cũng phủ 27/27 khu công nghiệp lớn (100%), 33/37 khu đô thị (89%), 22/24 làng nghề (91,6%), 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch (92%). Hệ thống vận tải công cộng này kết nối Hà Nội với bảy tỉnh, thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Việc đa dạng hóa loại hình phương tiện và tăng kết nối đã cộng hưởng giúp cho sản lượng hành khách đi xe buýt tăng khá tốt thời gian gần đây. Tính sơ bộ 9 tháng năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt của Thủ đô đạt 212,7 triệu lượt hành khách (tăng 25,1% so thực hiện cùng kỳ 2021).

Sản lượng hành khách bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ đầu quý II-2022 (quý II/2022 tăng 124,1% so quý I/2022, gấp 2,2 lần; quý III/2022 tăng 1% so quý II/2022) và quý IV chắc chắn còn cao hơn nhiều khi lượng học sinh, sinh viên đến trường trở lại.

Đây là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng xe buýt, phục vụ người dân đi lại thuận lợi hơn, góp phần quan trọng giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm cho đô thị.