Mỗi ngày có hơn 1.000 hồ sơ phải giải quyết
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp là thủ tục đầu tiên và quan trọng để doanh nghiệp có thể chính thức hình thành và tham gia vào thị trường.
Theo Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Đỗ Văn Tình, 7 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 18.161 đơn vị thành lập mới với số vốn đăng ký là 163.524 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,4% và 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cơ quan quản lý cũng thực hiện thủ tục giải thể cho 2.565 doanh nghiệp; 17.933 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; 3.202 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 6.503 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tìm giải pháp “vực dậy” chỉ số PCI, PAPI
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã phối hợp Bưu điện Hà Nội trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà dân hoặc trụ sở doanh nghiệp; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4.
Năm 2023, 92% hồ sơ đã thực hiện dịch vụ công mức độ 4 (hồ sơ trả kết quả qua Bưu điện đạt 158.762 lượt hồ sơ/năm).
Lũy kế đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng lên 394.072 doanh nghiệp.
Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là 212.422 đơn vị.
Như vậy, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đứng thứ hai trong cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi ngày, Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận và giải quyết trung bình 1.050 lượt hồ sơ/ngày trên hệ thống Đăng ký kinh doanh Quốc gia.
Tính trung bình của cả nước, mỗi cán bộ làm công tác đăng ký doanh nghiệp chỉ giải quyết khoảng 7 hồ sơ/1 cán bộ/1 ngày làm việc.
Tuy nhiên, tỷ lệ này tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Hà Nội là khoảng 37 hồ sơ/1 cán bộ thụ lý/1 ngày làm việc.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhấn mạnh: “Dù có các thủ tục quy định về thành phần hồ sơ khác nhau, nhưng thời gian giải quyết chung chỉ có 3 ngày và đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 100%”.
Khắc phục khó khăn
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp yêu cầu giải quyết nhanh, chính xác, nhưng do khối lượng công việc lớn, cho nên cũng còn một tỷ lệ nhỏ hồ sơ bị chậm, muộn khi giải quyết, trả kết quả cho doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu do lỗi kỹ thuật, trục trặc đường truyền, hoặc những nguyên nhân đột xuất, bất khả kháng…
Đại diện một số ngân hàng như LP Bank, Vietcombank cho biết thêm, hiện vẫn còn sự thiếu thống nhất giữa Luật các tổ chức tín dụng (hiệu lực từ ngày 1/7/2024) và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gây ra khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp khi có thay đổi thông tin đăng ký.
Về việc thực hiện trả kết quả, từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Đăng ký kinh doanh đã giao cho Bưu điện Hà Nội hơn 96.600 bộ kết quả để chuyển tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần 5.500 kết quả giao không thành công, phải trả về Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Theo Giám đốc Bưu điện Hà Nội Bùi Văn Hoàng, nguyên nhân chủ yếu do người đại diện pháp luật doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền không có mặt tại địa chỉ trong 2 lần phát. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp đăng ký địa chỉ không rõ ràng, thiếu thông tin.
Bưu điện Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, nâng cao năng lực nghiệp vụ của các bưu cục, bưu tá nhằm nâng cao chất lượng phục vụ theo tiêu chí kịp thời, chính xác…
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trung Hiếu, dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng cán bộ của Sở luôn cố gắng hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất.
Cơ quan đăng ký kinh doanh đang quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư phấn đấu cắt giảm thời gian giải quyết, phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất; ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết đối với thủ tục đơn giản.
Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến về chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp, người dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp.