Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết năm 2023, cả nước có 159.294 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,2% so cùng kỳ. Đây là mức cao kỷ lục vì con số này gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022.
Bên cạnh đó, có 58.412 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, góp phần đưa số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc hơn 200.000 doanh nghiệp, tăng 4,5% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý. Cụ thể, quý I/2023, vốn đăng ký mới của doanh nghiệp đạt 310.331 tỷ đồng; quý II/2023 đạt 397.126 tỷ đồng; quý III/2023 đạt 379.319 tỷ đồng; quý IV/2023 tăng lên mức 434.483 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là hơn 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 25,3% so cùng kỳ.
Theo ngành nghề đăng ký kinh doanh, có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so cùng kỳ năm 2022, gồm giáo dục và đào tạo;bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; vận tải kho bãi; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; khai khoáng; xây dựng…
Từ những số liệu nêu trên, trong Báo cáo tổng quan về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh “Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023”.
Báo cáo cũng đề cập đến những khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt. Đó là quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 không chỉ giảm 25,3% so cùng kỳ mà còn là mức thấp nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã bốn lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Nhờ đó, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong hai tháng cuối năm đã tăng lên.
Điều này phần nào cho thấy hiệu quả bước đầu từ các chính sách của Chính phủ giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn và thể hiện niềm tin của doanh nghiệp khi quyết định bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Khó khăn của doanh nghiệp còn được phản ánh qua sự gia tăng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 20,5% so cùng kỳ. Cụ thể, năm 2023 cả nước có khoảng 172.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, là mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,6%). Chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường, tương ứng khoảng 18.000 doanh nghiệp.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp giải thể là do hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; do thị trường có nhiều biến động, cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng; công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả;
Các doanh nghiệp cũng phản ánh lý do giải thể vì gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đối tác và khách hàng; chi phí kinh doanh cao; khó khăn về mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh.