Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, đòi hỏi có các giải pháp phù hợp và hiệu quả về chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông (tăng 39 trường so với cùng kỳ năm học trước) với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên. Ðến tháng 7/2024, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường). Riêng trong việc dạy ngoại ngữ, mỗi năm có khoảng 4.000 giáo viên nước ngoài, bản địa đến với Thủ đô Hà Nội để đào tạo ngoại ngữ cho các trung tâm, học sinh trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo số liệu của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, đến nay các trường học công lập trên địa bàn thành phố còn thiếu do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt hoặc thiếu đất để xây dựng trường (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành). Các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn nhiều. Một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật Ðê điều.

Ðối với trường học ngoài công lập, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học của các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Khi giao đất để xây dựng trường học cho các doanh nghiệp thường được quy hoạch chỉ một cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông), nhưng các doanh nghiệp thường muốn phát triển các trường tư thục có nhiều cấp học liên thông. Việc bổ sung cấp học vào các ô đất đã được giao của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do liên quan đến thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch, cần xin ý kiến nhiều sở, ngành.

Mới đây, tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-xã hội năm 2024 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc để được lãnh đạo thành phố, các sở, ngành chức năng của Hà Nội trao đổi, giải đáp, tháo gỡ.

Ðại diện Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, hiện nay còn khoảng 35-40% trường trung học phổ thông tư thục chưa có cơ sở vật chất ổn định, hiện đang phải thuê, mượn địa điểm hoạt động (không đúng quy hoạch), gặp khó khăn trong hoạt động tuyển sinh.

Vì vậy, đề nghị thành phố có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các trường trung học phổ thông tư thục, nhất là các trường ở ngoại thành được thuê đất thực hiện dự án trường học.

Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh (huyện Ba Vì) đề xuất xin bổ sung cấp tiểu học và trung học cơ sở để thành lập trường có nhiều cấp học. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục điều chỉnh quy hoạch nên chưa thực hiện được.

Công ty TNHH Công nghệ Bách Khoa Hà Nội phản ánh, hiện nay có rất nhiều ngành, nghề cần phải đầu tư các trang, thiết bị đào tạo đắt tiền, thay đổi thường xuyên theo công nghệ. Vì vậy, đề nghị thành phố có chính sách ưu đãi cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ðại diện Công ty TNHH Phát triển công nghệ giáo dục Việt Nam nêu ý kiến, việc cấp giấy phép lao động cho giáo viên người nước ngoài dạy chương trình bổ trợ tại các trường phổ thông đang gặp nhiều khó khăn.

Về kiến nghị hỗ trợ đầu tư cho trường tư thục, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Trần Thế Cương cho biết, thành phố có chính sách hỗ trợ về đất đai, điều kiện xây dựng, bảo đảm an toàn trong trường học. Ðối với các trường có nhiều cạnh tranh trong đào tạo, trường nào có chất lượng dạy và học tốt thì học sinh và phụ huynh sẽ tự động tìm tới, trường nào chưa tốt thì hoạt động sẽ khó khăn. Sở đã có sự phối hợp với các trường tư thục trên địa bàn thành phố để nâng cao chất lượng đào tạo, dạy và học, bảo đảm sự phát triển của các trường.

Ðại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc lưu ý, các trường muốn mở thêm nhiều cấp học thì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập trường (về chỉ tiêu sử dụng đất/học sinh; quy mô số lớp và số học sinh của từng cấp học... theo đúng quy định).

Về việc cấp phép lao động cho giáo viên nước ngoài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, ngoài quy định chung liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ cho giáo viên nước ngoài, Hà Nội không ban hành bất kỳ quy định nào riêng cho đối tượng lao động này. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã ủy quyền cho quận, huyện thực hiện thủ tục hành chính cấp phép cho lao động nước ngoài để giảm thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho các đơn vị, người lao động.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Luật Thủ đô năm 2024 đã được thông qua, trong đó có nhiều quy định sẽ "mở đường" cho lĩnh vực giáo dục, tạo ra những thay đổi căn bản hơn. Thành phố giao các sở, ngành liên quan phân loại các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền thì giải quyết sớm, những vấn đề vượt thẩm quyền thì sớm kiến nghị Trung ương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.