Từ ngày 1/7, hộ kinh doanh được liên thông điện tử giữa đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế

NDO - Kể từ ngày 1/7/2023, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện qua Hệ thống liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Theo đó, người thành lập hộ kinh doanh chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một cơ quan hành chính duy nhất là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ ngày 1/7/2023, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh hộ kinh doanh được thực hiện qua Hệ thống liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. (Ảnh minh họa)
Kể từ ngày 1/7/2023, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh hộ kinh doanh được thực hiện qua Hệ thống liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. (Ảnh minh họa)

Tiếp nối thành công trong công tác phối hợp thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai cải cách về đăng ký hộ kinh doanh thông qua việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý và hạ tầng công nghệ thông tin cho việc kết nối liên thông.

Về mặt pháp lý, ngày 18/4/2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

Thông tư chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023, hướng đến các mục tiêu chủ yếu: bổ sung quy định pháp lý cho việc liên thông hai thủ tục là đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh; tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin liên thông điện tử giữa Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh và Hệ thống thông tin đăng ký thuế; ban hành hệ thống biểu mẫu đăng ký hộ kinh doanh phục vụ cho việc liên thông.

Để triển khai đồng bộ trên cả nước, ngày 28/6 vừa qua, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế tại 700 quận, huyện, thị xã và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, hai ngành đã thực hiện nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai được ngay từ 1/7/2023.

Theo ghi nhận của Hệ thống, ngay trong ngày đầu tiên khi Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành, đã có 4 hộ kinh doanh được cấp thành công vào ngày 1/7 thông qua Hệ thống liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Trong đó, có 3 hộ kinh doanh được cấp thành lập mới (1 hộ kinh doanh tại thành phố Vũng Tàu, 1 hộ kinh doanh tại thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận và 1 hộ kinh doanh tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), có 1 hộ kinh doanh được cấp đăng ký thay đổi tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Kể từ ngày 1/7/2023, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh hộ kinh doanh được thực hiện qua Hệ thống liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Theo đó, người thành lập hộ kinh doanh chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ (trong đó bao gồm nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế theo quy định) và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một cơ quan hành chính duy nhất là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu mới sẽ đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, mã số thuế của hộ kinh doanh cũng là mã số hộ kinh doanh. Điều này giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời giảm tải đáng kể công việc cho cơ quan hành chính nhà nước.

Việc liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh đã hoàn thành đúng yêu cầu, đáp ứng tiến độ thời gian mà Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính thời gian qua.

Qua hơn 13 năm, công tác phối hợp giữa hai ngành thuế và đăng ký kinh doanh ngày càng đạt được nhiều dấu ấn đáng khích lệ, tạo ra những đột phá về cải cách hành chính, có tác động lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Kể từ dấu mốc kết hợp lịch sử lần đầu giữa hai ngành vào tháng 5/2010 với hàng loạt các cải cách về khung pháp lý, sửa đổi nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay đã có hàng triệu doanh nghiệp, hàng vạn hợp tác xã đã được hưởng lợi từ chính sách cải cách, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho chi phí gia nhập thị trường.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới từ 2010 đến 2020, Việt Nam đã tăng 23 bậc về mức độ dễ dàng trong kinh doanh. Việt Nam cũng là quốc gia được các doanh nghiệp tại các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… lựa chọn hàng đầu để làm địa bàn đầu tư.

Sự thuận lợi về môi trường kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, hợp tác xã là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp vào tăng thu ngân sách nhà nước mỗi năm.