Sáng 31/3, Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý I/2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị.
Trật tự đô thị có nhiều chuyển biến
Ngày 15/2, Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về “Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”, trong đó tổ chức thực hiện theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15/2 đến 28/2); Giai đoạn 2: Ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 1/3 đến 31/3); Giai đoạn 3: Giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ 1/4 đến 1/11).
Tại hội nghị, báo cáo về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ, sau khi kết thúc 14 ngày giai đoạn 1 với các biện pháp tuyên truyền bài bản, tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm, từ ngày 1/3, toàn lực lượng đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Kết quả cụ thể tính đến hết ngày 25/3, đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tăng 5.553 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó (tương ứng tăng 29,6%), phạt thành tiền 50,5 tỷ đồng.
Đồng thời, lực lượng chức năng thành phố cũng đã kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, tăng 3.498 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó (tương ứng tăng 87,6%), phạt thành tiền 9,2 tỷ đồng. Một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý cao là: Hoàng Mai (1.554 trường hợp), Đống Đa (1.129 trường hợp), Hoàn Kiếm (653 trường hợp), Sơn Tây (140 trường hợp).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, sau gần 1 tháng ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, với sự quyết tâm, quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã từng bước được giảm dần. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định. Các bục bệ, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng dỡ, phá dỡ, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được đảm bảo tạo nên bộ mặt đô thị văn minh, trật tự hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, điển hình như việc thực hiện tuyên truyền tại một số địa bàn còn chưa bảo đảm yêu cầu, còn xảy ra tình trạng một số hộ dân vẫn không chấp hành, chưa chủ động sắp xếp gọn gàng hàng quán, để phương tiện tràn lan trên hè phố, dưới lòng đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng kết quả chưa bền vững, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm. Tình trạng các bãi trông giữ phương tiện không phép, thu phí sai quy định trên các khu đất trống tại các dự án còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, gây phức tạp về anh ninh trật tự...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, khó khăn, vướng mắc hiện nay đó là hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến một số hành vi vi phạm không được giải quyết triệt để như dừng, đỗ xe ô-tô, trông giữ phương tiện không phép…
Tại địa bàn các quận có mật độ dân cư cao, lưu lượng phương tiện lớn, điểm trông giữ phương tiện ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân dẫn đến tình trạng dừng, đỗ phương tiện không đúng nơi quy định, đồng thời làm nảy sinh những điểm trông giữ phương tiện không phép hoặc có phép nhưng vượt phạm vi, loại hình được cấp phép trông giữ.
Bên cạnh đó, số người dân kinh doanh buôn bán dựa vào lòng đường vỉa hè để mưu sinh với số lượng đông, có nhiều trường hợp không có mặt bằng kinh doanh chỉ kinh doanh trên hè phố và tồn tại từ lâu nên việc kiểm tra, xử lý, giải tỏa còn gặp sự phản ứng của người dân.
Tình trạng các dự án khu đô thị đã đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa tiến hành bàn giao hạ tầng giao thông nên việc tổ chức sắp xếp phương tiện còn lộn xộn, khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác xử lý vi phạm về lĩnh vực giao thông đường bộ tại các dự án khu đô thị trên xử lý gặp khó khăn do Luật Giao thông chưa điều chỉnh…
Duy trì bền vững kết quả lập lại trật tự đô thị
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành, cùng lãnh đạo các địa phương của Hà Nội đã nêu thực trạng, kết quả cũng như các hạn chế và đề xuất, kiến nghị liên quan công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Định Công, quận Hoàng Mai, trong đợt ra quân vừa qua, phường đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân kinh doanh ký hơn 2 nghìn cam kết về việc không vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Các đơn vị, đại diện các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn gồm Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… cũng thường xuyên tổ chức, duy trì lực lượng để kiểm tra, đôn đốc và phối hợp xử lý các vi phạm, cũng như tăng cường tuyên truyền đến người dân về công tác này.
Tuy nhiên, do địa bàn phường có diện tích rộng, dân cư đông đúc, nhiều tuyến phố không có vỉa hè, điểm đỗ xe ít chưa đáp ứng nhu cầu người dân… đã gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị.
Do đó, đại diện phường Định Công đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo, tạo điều kiện cho các đơn vị cấp phép tạm bãi đỗ xe ở các dự án chưa triển khai để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, đồng thời quy hoạch, đầu tư bãi xe thông minh cao tầng để vừa đáp ứng yêu cầu đô thị xanh, sạch đẹp, vừa tăng số lượng bãi xe giải quyết vấn đề đỗ xe trên lòng đường như hiện nay.
Với nòng cốt là lực lượng công an, Hà Nội đã lên kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Trong khi đó, đại diện Ủy ban nhân dân phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng nêu thực trạng, có hiện tượng các hộ dân kinh doanh gây cản trở vỉa hè là do phần lớn các hộ này có mặt bằng kinh doanh nhỏ, không bảo đảm sắp xếp đủ chỗ cho khách đến giao dịch, mua bán…
Với các hộ kinh doanh nhỏ này, phường đã trực tiếp xuống làm việc, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các hộ thuê thêm các diện tích trong ngõ để mở rộng. Đối với các hộ chưa sắp xếp được, phường đã cử lực lượng chức năng xuống hỗ trợ. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng lại phải trải rộng trên 18 tuyến phố, nên ngoài 3 khung giờ cao điểm, phường vẫn gặp khó khăn trong duy trì công tác này.
Về phía quận Hà Đông, theo bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận, xác định công tác lập lại trật tự đô thị là việc quan trọng góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của quận, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã thường xuyên ra quân xử lý lập lại trật tự đô thị. Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng công an và Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý 1.624 vi phạm, phạt tiền hơn 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp khó khăn, bên cạnh việc có nhiều người dân chấp hành nghiêm túc, cũng có không ít hộ kinh doanh vì lợi ích cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trong công tác quản lý đô thị, tính chất đối phó, khi lực lượng chức năng rút quân thì các hộ lại tiếp tục lấn chiếm.
Ngoài ra, nhu cầu gửi xe của người dân, đặc biệt trên các trục đường chính tập trung đông đúc các cửa hàng, cửa hiệu là cần thiết, song việc bố trí các điểm trông giữ xe trên hè phố không khả thi, vì mật độ đi lại lớn, trong khi các tuyến lân cận mặt đường nhỏ hơn 3m nên khó bố trí…
Do đó, lãnh đạo quận Hà Đông đề xuất thành phố giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp rà soát các tuyến phố đủ điều kiện bố trí các điểm trông giữ xe trên lòng đường phù hợp, đồng thời có quy định rõ ràng về cấp phép cho các đơn vị được giao tổ chức thực hiện, quản lý các điểm trông giữ xe này, cùng với việc ban hành các chỉ thị, văn bản về duy tu lòng đường, vỉa hè để kịp thời xử lý các hỏng hóc.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Đánh giá đợt ra quân vừa rồi đã có tín hiệu tích cực, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự đô thị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, vấn đề đặt ra là làm sao để duy trì kết quả này một cách bền vững.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, hiện hệ thống hạ tầng giao thông tĩnh của thành phố vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Trong khi đó, việc phân cấp cho các quận, huyện quản lý bãi đỗ xe còn triển khai khá lúng túng ở các địa phương liên quan các nội dung được phân cấp về phát triển giao thông tĩnh.
Do đó, theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc cấp phép đỗ xe tạm thời ở lòng đường là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần tận dụng một số công trình chưa triển khai để cấp phép bãi đỗ tạm thời phục vụ nhân dân nhưng phải bảo đảm quy định.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, thành phố đã có cấp phép tận dụng vỉa hè ở một số tuyến phố. Sắp tới, cần rà soát, điều chỉnh, ban hành các quy định mới thay thế các quy định cũ không còn phù hợp liên quan các tuyến phố cho đỗ hay cấm đỗ xe ở lòng đường, vỉa hè.
“Hiện đã có quy định không lưu hành phương tiện quá khổ, quá tải trên đường và cấm dừng đỗ trái quy định, nhưng thế nào là trái quy định thì chưa được nêu rõ trong các văn bản, gây khó khăn trong kiểm tra, xử phạt. Nếu ô-tô dừng đỗ ở lòng đường có thể xử phạt theo Điều 5 của Nghị định 100, nhưng khi ô-tô đó “trèo” lên vỉa hè thì cả lực lượng công an và quản lý trật tự đô thị không xử phạt được”, ông Nguyễn Phi Thường nêu vấn đề.
Vì vậy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Thường trực Thành ủy xem xét điều chỉnh Chỉ thị 14 năm 2012 về tiếp tục lập lại trật tự, an toàn và quản lý vỉa hè sau hơn 10 năm triển khai, nhằm tạo cơ sở chính trị để ra các văn bản, nghị quyết liên quan tiếp theo.