(Ảnh: Nhật Quang)
(Ảnh: Nhật Quang)

KTS Trần Ngọc Chính:

“Giành lại vỉa hè” là việc phải làm và cần làm ngay

NDO - Với phương châm "giành lại vỉa hè cho người đi bộ", lực lượng chức năng của Hà Nội đang thể hiện quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, đưa không gian này trở về đúng “sứ mệnh” vốn có của nó. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

ĐÁNG LẼ KHÔNG NÊN CÓ CÂU CHUYỆN VỈA HÈ NHƯ NGÀY HÔM NAY

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay, thành phố Hà Nội đang thực hiện Kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả triển khai kế hoạch này dưới góc độ một chuyên gia quy hoạch?

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính: Về kế hoạch này, chúng ta đã từng làm trong nhiều năm nhưng kết quả không như mong muốn. Người dân từng tin tưởng đô thị sẽ đi vào trật tự ngăn nắp, nhưng sau 2-3 tháng không có quy định thưởng phạt, giám sát, theo dõi xử lý thì lại trở lại như cũ. Chính vì thế, người ta “nhờn”. Nói cách khác, vỉa hè hiện nay không phục vụ chính cho người đi bộ, mà trái lại phần lớn đã trở thành không gian kinh doanh, mạnh ai nấy làm. Điều vô lý này đã tồn tại ở Hà Nội bao năm nay.

Phải thừa nhận, thực trạng này là do vấn đề quản lý không tốt, không kiểm tra, giám sát. Và quan trọng, người dân không nhận thức được là vỉa hè là của ai, sử dụng như thế nào nên họ tận dụng để bàn ghế, xe cộ, bày hàng họ, đẩy người đi bộ, khách du lịch xuống lòng đường.

Nếu nhìn ra nước ngoài, như ở Nhật, Anh, Pháp, hay các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia, trật tự vỉa hè đâu vào đó. Các quốc gia đó vẫn có buôn bán ở vỉa hè, nhưng công việc kinh doanh diễn ra theo trật tự, theo quy định.

“Giành lại vỉa hè” là việc phải làm và cần làm ngay ảnh 1
Người dân ăn trưa tại một nhà hàng-cafe vỉa hè tại Paris. (Ảnh: Reuters)

Thí dụ như ở Pháp, quán cà-phê chỉ được phép bày bàn ghế nằm gọn trong phần mái hiên quy định dài khoảng 3-5m. Khách đến quán có thể vừa thưởng thức cà-phê vừa nhìn ngắm phố phường. Đây là một hình ảnh rất quen thuộc không chỉ ở Paris mà tại nhiều thành phố khác ở châu Âu. Khách ngồi yên tâm, không lo bị cơ quan chức năng nhắc nhở do cửa hàng đã thuê, nộp tiền cho Nhà nước rồi và vẫn dành không gian cho người đi bộ thoải mái.

Nhìn lại nước ta, hiện trạng vỉa hè Hà Nội quá lộn xộn. Tôi đi Đà Nẵng, Hội An, chứng kiến vỉa hè sạch sẽ, trật tự, văn minh, rồi về Hà Nội lại đau đáu. Trên vỉa hè, chúng ta gần như không có chỗ đi bộ. Xe đạp, xe máy xếp thành những hàng dài dọc các tuyến phố. Hàng quán nhà nào cũng cố “chìa” ra ngoài, gây nên sự bất hợp lý, lộn xộn, mất mỹ quan.

Ở khía cạnh văn hóa, vỉa hè là một nơi giao tiếp xã hội, nơi mọi người gặp gỡ, câu trò câu chuyện, hỏi han nhau ở vỉa hè. Bên cạnh nhà hát, nhà hàng, vỉa hè là không gian công cộng rất tuyệt vời.

“Giành lại vỉa hè” là việc phải làm và cần làm ngay ảnh 2

Đáng lẽ không nên có câu chuyện vỉa hè của ngày hôm nay. Đưa vấn đề này ra để nói vào thời điểm này thực ra là quá muộn. Nhẽ ra, câu chuyện vỉa hè phải được quản lý tốt từ 10 năm trước.

Vỉa hè cũng thể hiện trình độ văn minh của từng đô thị. Ở các đô thị văn minh, vỉa hè là nơi người dân thong thả, ung dung tản bộ, hàng quán hoạt động có trật tự và theo quy chuẩn. Còn vỉa hè Hà Nội gắn với hình ảnh cửa hàng, cửa hiệu đua nhau “loi nhoi” tràn ra ngoài. Ai cũng lo hàng nhà mình bị khuất tầm nhìn người mua. Chưa kể, vỉa hè cũng là nơi tập kết của những người bán hàng rong.

Không chỉ là chiếm lĩnh vỉa hè, các biển quảng cáo cũng xuất hiện tràn lan, thiếu trật tự. Người dân tận dụng hết tất cả các mặt tiền tầng lầu để treo biển quảng cáo. Đi dọc đường Giải Phóng, Bạch Mai, bao nhiêu tầng là bấy nhiêu biển quảng cáo treo “thù lù” ngoài các ban công, thò ra, thụt vào. Vào ban đêm, các biển quảng cáo sáng rực, dây đèn led chằng chịt, treo ngang dọc, không theo một quy chuẩn nào.

Câu chuyện vỉa hè còn tồn tại nhiều vấn đề như thế, nên tôi đồng ý với chiến dịch “giành lại vỉa hè” của thành phố. Theo tôi, đáng lẽ không nên có câu chuyện vỉa hè của ngày hôm nay. Đưa vấn đề này ra để nói vào thời điểm này thực ra là quá muộn. Nhẽ ra, câu chuyện vỉa hè phải được quản lý tốt từ 10 năm trước.

LẬP LẠI TRẬT TỰ VỈA HÈ KHÔNG PHẢI LÀ “DẸP HÀNG QUÁN”

Phóng viên: Một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đợt ra quân lần này chính là những người buôn bán nhỏ, đặc biệt là những người bán hàng rong. Theo ông, nên có giải pháp như thế nào để bảo đảm sinh kế cho họ?

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính: Tôi nghĩ rằng, người vừa làm quy hoạch vừa làm quản lý cần nhìn nhận và thấu hiểu người dân. Kinh tế vỉa hè rất quan trọng với người Hà Nội, và nhất là những người thiếu may mắn, không có việc làm. Tuy nhiên, cần phải chia ra, xem xét và giải quyết từng nhóm đối tượng.

"Lập lại trật tự vỉa hè không phải là dẹp hàng quán, cấm người dân kinh doanh mà là để tổ chức, sắp xếp không gian một cách có trật tự và hợp lý, bảo đảm mỹ quan đô thị văn minh, lịch sự".

- Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính -


Hiện nay, phần lớn các hộ kinh doanh quanh “điểm nóng” phố cổ là các gia đình nhà mặt phố. Lập lại trật tự vỉa hè không phải là dẹp hàng quán, cấm người dân kinh doanh mà là để tổ chức, sắp xếp không gian một cách có trật tự và hợp lý, bảo đảm mỹ quan đô thị văn minh, lịch sự.

Lâu nay, các cửa hàng quanh 36 phố phường chính là nét đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Rươi, Hàng Thiếc, Hàng Bạc… mỗi phố hàng có 1 đặc điểm riêng, chuyên kinh doanh, buôn bán 1 mặt hàng riêng, người dân cần đồ gì tới hàng đó để mua sắm. Đặc thù kinh doanh này cũng làm nên nét đặc biệt cho Thủ đô ngàn năm văn hiến, làm phong phú không gian Hà Nội cũng như gây ấn tượng với khách du lịch.

“Giành lại vỉa hè” là việc phải làm và cần làm ngay ảnh 3

Lưới thép bày tràn lan kín vỉa hè trên phố Thuốc Bắc. (Ảnh: Bích Thu)

Vấn đề là hiện nay nhiều hộ kinh doanh lợi dụng vỉa hè bày bán hàng tràn lan, choán hết phần đường của người đi bộ. Thí dụ, đi dọc phố Hàng Thiếc, vỉa hè ngổn ngang máy cắt, máy gọt, các hộ kinh doanh bày hàng, gia công sản phẩm ngay trên vỉa hè khiến người đi bộ không còn chỗ để đi… Tình trạng này cũng không khó để khách bộ hành bắt gặp trên các khu phố khác.

Do vậy, tùy từng trường hợp, thành phố cần làm việc cụ thể với các hộ kinh doanh. Cần có quy định rõ ràng, nói rõ phần diện tích được khai thác kinh doanh là bao nhiêu với mức phí hợp lý. Phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ phải tuân thủ, không được lấn chiếm, nếu vi phạm thì áp dụng các quy chế xử phạt.

Như vậy, hàng quán, các nghề gia truyền vẫn được duy trì, bảo đảm đời sống người dân. Người mua cũng không gặp khó khăn để tìm món đồ mình muốn, khách du lịch thì an tâm tản bộ ngắm nhìn, cảm nhận văn hóa Hà Nội trong an toàn, văn minh, trật tự.

Quan tâm đời sống của người dân chính là ngồi lại xử lý vấn đề quy hoạch và thống nhất với họ các quy tắc hoạt động kinh tế vỉa hè.

Với những người bán hàng trên vỉa hè không có cửa hàng, tùy từng trường hợp, có thể bố trí góc nhỏ vỉa hè cố định nào đó cho họ, bảo đảm không lấn chiếm phần đường người đi bộ.

Họ cũng cần cam kết không trở thành những gánh hàng “thoắt ẩn, thoắt hiện” trên khắp các đoạn đường, tiện chỗ nào dừng lại chỗ đó; hay tập hợp những người có nhu cầu, những gánh hàng rong vào một khu riêng, có trả phí và có đăng ký kinh doanh với chính quyền, tạo thành khu phố ẩm thực chẳng hạn.

Tôi chắc rằng, sẽ có những khó khăn bước đầu nhưng đó là điều cần làm để mọi thứ dần đi vào nền nếp mà vẫn bảo đảm sinh kế cho người dân.

“Giành lại vỉa hè” là việc phải làm và cần làm ngay ảnh 4

Trên phố Hàng Đào hay Lý Quốc Sư, khi các cửa hàng đã dọn dẹp phong quang thì những chiếc xe máy vẫn loay hoay tìm chỗ đỗ. (Ảnh: Bích Thu)

Phóng viên: Vỉa hè Hà Nội, đặc biệt tại “điểm nóng” phổ cổ, đang phải “gồng mình” gánh một lượng ô-tô, xe máy tràn lan khắp các con phố. Theo ông, cần có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính: Khu vực phổ cổ với mấy chục vạn dân sinh hoạt quanh khoảng 100ha. Nhà chật, ngõ nhỏ, đưa xe máy ra vào rất vất vả. Mỗi gia đình có tới 2-3 xe máy, rồi thêm vài xe của khách nữa là tràn vỉa hè.

Hiện, vỉa hè Hà Nội đang trở thành nơi đỗ xe bất đắc dĩ. Để giải quyết vấn đề xe cộ vẫn nhức nhối bao lâu nay, chính quyền có thể quy định khách tham quan, khách vãng lai có nhu cầu vào khu vực phố cổ thì cần gửi xe máy để đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển như xe điện. Như vậy, sẽ giảm lượng xe máy để tràn lan trên vỉa hè rất nhiều.

Với các hộ gia đình gặp khó khăn trong việc để xe trong nhà, thành phố có thể hình thành các phương án quy hoạch những khu đỗ xe công cộng. Từ đó, các gia đình có thể đăng ký chỗ đỗ xe, khách đến có chỗ đỗ; quy định một số khu vực hạn chế xe cộ đi vào, ưu tiên đi bộ.

Thành phố, chính quyền, các nhà quy hoạch cần ngồi lại tính toán, phân khu, khu nào quá chật thì có thể châm trước. Còn chỗ nào làm được thì cần cương quyết ngay từ bây giờ.

Trong tương lai, Hà Nội cần làm tốt hệ thống giao thông công cộng, để người dân có thể sử dụng phương tiện công cộng một cách thuận tiện. Khi đó, họ sẽ đi bộ nhiều hơn, đồng nghĩa với lượng phương tiện cá nhân sẽ giảm. Vấn đề bến, bãi đỗ xe sẽ được giảm tải.

CẦN SỰ BỀN BỈ, LIÊN TỤC, LÂU DÀI, LINH HOẠT TRONG THỰC HIỆN

Phóng viên: Thực tế, nhiều chiến dịch đã được triển khai, nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng. Ông có khuyến nghị nào để thành phố thực hiện thành công Kế hoạch năm nay?

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính: Trước hết cần khẳng định, việc lập lại trật tự, an ninh đô thị, giải phóng vỉa hè bảo đảm mỹ quan, văn hóa đô thị là việc nhất thiết phải làm và cần phải làm ngay.

“Giành lại vỉa hè” là việc phải làm và cần làm ngay ảnh 5

Đây là chiến dịch đòi hỏi Thành phố cần thực hiện liên tục. Cần có các cơ chế chính sách rõ ràng, áp dụng cho từng quận, từng phường, từng tuyến phố dựa trên nghiên cứu tình hình, diện tích vỉa hè, hình thức buôn bán, sinh hoạt, cụ thể từng đối tượng, hộ kinh doanh.

Thành phố cần có quy định rõ ràng về diện tích vỉa hè được sử dụng, thỏa thuận thuê như thế nào. Việc quản lý thực hiện qua ký kết, nếu lặp lại vi phạm sẽ không được phép sử dụng vỉa hè nữa. Công tác quản lý, theo dõi, xử lý phải thường xuyên và liên tục.

“Giành lại vỉa hè” là việc phải làm và cần làm ngay ảnh 6

Sau gần 1 tháng ra quân lập lại trật tự vỉa hè, khách du lịch thoải mái tản bộ trên phố Hàng Đào. (Ảnh: Nhật Quang)

Công an chỉ ra quân lần đầu để hỗ trợ xử lý vi phạm. Còn sau đó chính quyền thực hiện theo quy chế. Khi công tác xử lý hợp tình, hợp lý theo quy chế, quy định đã ký kết, các hộ kinh doanh sẽ có ý thức chấp hành, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để làm gương, răn đe. Từ đó dần tạo dựng thói quen sử dụng vỉa hè đúng quy định, đúng diện tích được phép theo như thỏa thuận đã cam kết với Nhà nước.

Khi phần lớn các hộ kinh doanh đã tuân thủ, những trường hợp tự ý lấn chiếm sẽ được chính các hộ dân khác phản ánh lên chính quyền, tạo thành dây chuyền tự quản, tự phát hiện, tự bồi đắp ý thức, trách nhiệm cho nhau.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có các phương án giải quyết vấn đề để xe trên vỉa hè bằng cách quy định khách tham quan, khách vãng lai có nhu cầu vào khu vực phố cổ thì cần gửi xe máy để đi bộ, hoặc sử dụng phương tiện công cộng, tuyên truyền khuyến khích người dân đi bộ trên các quãng đường ngắn, hạn chế sử dụng xe máy tại các tuyến phố nhỏ, chật… Như vậy, sẽ giảm tải cho vỉa hè.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng theo tôi, vấn đề lấy lại vỉa hè của Hà Nội là hoàn toàn làm được và phải làm ngay bây giờ. Chúng ta cứ đi từng bước, giải quyết từng vấn đề, liên tục, lâu dài và bền bỉ tuyên truyền, xử lý nghiêm để tạo thành thói quen, thay đổi ý thức, cách làm kinh tế của người dân, ắt sẽ thành công.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

back to top