Cùng suy ngẫm

Không chỉ là siết chặt quản lý vỉa hè

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ197 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, một lần nữa, các lực lượng chức năng của Thủ đô ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng phường Thành Công, quận Ba Đình ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị. (Ảnh: nhandan.vn)
Lực lượng chức năng phường Thành Công, quận Ba Đình ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị. (Ảnh: nhandan.vn)

Trong đó, trọng tâm là việc "giành" lại vỉa hè - vấn đề nhức nhối nhất trong trật tự đô thị những năm qua, nhất là tại khu vực nội thành. "Chiến dịch" lần này gồm ba giai đoạn: Tuyên truyền, vận động; kiểm tra, xử lý và duy trì sau khi xử lý.

Mặc dù ra quân khá rầm rộ tại một số địa bàn, song chiến dịch giành lại vỉa hè đợt này của Hà Nội không gây sự chú ý của dư luận. Bởi những vi phạm về trật tự đô thị tại Hà Nội như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh; trông giữ xe trái phép; chợ cóc, chợ tạm… là những vấn đề tồn tại nhiều năm nay, nhiều chiến dịch đã được triển khai, nhưng kết quả hạn chế.

Những vi phạm về trật tự đô thị tại Hà Nội như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh; trông giữ xe trái phép; chợ cóc, chợ tạm… là những vấn đề tồn tại nhiều năm nay, nhiều chiến dịch đã được triển khai, nhưng kết quả hạn chế.

Điển hình như từ năm 2014 đến 2016, Hà Nội thực hiện chủ đề công tác "Năm trật tự văn minh đô thị". Những chiến dịch ra quân dẹp hàng rong, chợ cóc được tổ chức khiến vỉa hè, lòng đường có thoáng hơn một thời gian. Nhưng rồi, đâu lại… vào đấy.

Đến năm 2018, cả thành phố lại "chuyển động" cùng Mệnh lệnh số 02 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Nhiệm vụ trọng tâm khi ấy cũng là siết chặt quản lý vỉa hè. Quá trình thực hiện Mệnh lệnh số 02 cũng lặp lại chu kỳ quen thuộc của những "chiến dịch" trước đó. Các hàng quán lấn chiếm vỉa hè kinh doanh "co lại" một thời gian, rồi… lấn ra gần như cũ. Tương tự, hoạt động của chợ cóc, chợ tạm hay dịch vụ trông giữ xe trái phép vẫn tràn lan.

Việc lập lại trật tự vỉa hè của Hà Nội thường rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Hà Nội là nơi đất chật, người đông. Hầu hết các ngôi nhà mặt phố, mặt ngõ lớn ở nội thành đều tổ chức kinh doanh. Diện tích cửa hàng chật hẹp, cho nên người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi bày hàng quán, để xe.

Do mật độ dân số cao, công tác quản lý kém, khiến chợ tạm, chợ cóc, hàng rong, quán cóc tồn tại như một tất yếu. Trong khi đó, những năm gần đây, rất ít dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe được triển khai. Những bãi đỗ xe ngầm được quy hoạch tại nội thành đều "nằm trên giấy".

Việc quản lý vỉa hè chỉ có hiệu quả nếu các đơn vị chức năng có một tầm nhìn xa, kết hợp biện pháp xử lý nghiêm minh sai phạm với giải pháp tổng thể về hạ tầng như thúc đẩy hệ thống bãi đỗ xe, hệ thống chợ, siêu thị… song song các giải pháp về đời sống dân sinh.

Nếu không có giải pháp tổng thể, thì những chiến dịch "đòi lại" vỉa hè của Hà Nội hay bất kỳ địa phương nào, sớm muộn cũng rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".

Thí dụ như để giải quyết "nạn" quán trà đá, cần tăng cường máy bán hàng tự động, kết hợp tạo điều kiện việc làm cho người dân, vận động khách hàng thay đổi thói quen mua sắm, không mua hàng hoặc ăn, uống tại những hàng rong trên vỉa hè.

Đối với những địa bàn phát triển thương mại, dịch vụ, có thể cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh trong những khung giờ nhất định, nhưng phải bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị.

Nếu không có giải pháp tổng thể, thì những chiến dịch "đòi lại" vỉa hè của Hà Nội hay bất kỳ địa phương nào, sớm muộn cũng rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".