Bangkok và bài toán giành vỉa hè

Bangkok và bài toán giành vỉa hè

NDO - Những hàng quán vỉa hè, ẩm thực đường phố dường như đã trở thành nét đặc trưng của du lịch Bangkok, Thái Lan. Mặc dù thành phố đã có nhiều quy định cụ thể, song việc làm thế nào để dung hòa được sinh kế cho người dân sống dựa vào vỉa hè và bảo đảm không gian cho người đi bộ hiện vẫn là bài toán khó với nhà chức trách của thủ đô Bangkok nhiều năm qua.

BANGKOK QUẢN LÝ QUÁN VỈA HÈ THẾ NÀO?

Đối với du khách nước ngoài, các quán hàng rong đường phố là một nét văn hóa độc đáo của Thái Lan. Tại thủ đô Bangkok, người ta có thể bắt gặp những quán hàng rong ở khắp mọi nơi, từ những khu buôn bán sầm uất cho những khu dân cư ít người. Những loại đồ ăn ngon, hàng hóa giá rẻ với chủng loại phong phú không chỉ khiến du khách quốc tế thích thú mà còn giúp đáp ứng nhu cầu người dân địa phương.

Nhiều hãng tin lớn trên thế giới như CNN, Forbes đã xếp hạng Bangkok là một trong những thành phố hàng đầu thế giới về ẩm thực đường phố. Theo đánh giá của CNN thì “gần như không thể tránh được các quán ăn đường phố ở Bangkok, nơi các quán vỉa hè ở các khu vực khác nhau của thành phố hoạt động theo một vòng quay cố định”.

Và không chỉ có vô số quầy bán đồ ăn như miêu tả của CNN, khi rảo bước trên vỉa hè những con phố sầm uất ở trung tâm thành phố, du khách có thể bắt gặp đủ loại hàng rong khác, từ quần áo, đồ lưu niệm cho đến các quầy hoa quả... Theo tờ Bưu điện Bangkok, chỉ tính riêng tại thủ đô Bangkok đã có khoảng 300.000 quán hàng đường phố. Trong đó có khoảng 111.000 cửa hàng là các hàng bán đồ ăn, chiếm 37%.

Từ năm 2005, Chính quyền thành phố Bangkok (BMA) đã ban hành một quy định cụ thể về việc quản lý các loại hàng rong trên vỉa hè. Theo đó, những người bán hàng rong phải đăng ký hoạt động và được cấp giấy phép. Đối với các tiểu thương đủ điều kiện kinh doanh trên hè phố, chính quyền sẽ thu một khoản ở mức 300 bạt/năm, trong đó bao gồm 200 bạt tiền giấy phép và 100 bạt phí vệ sinh.

Bangkok và bài toán giành vỉa hè ảnh 1

Theo quy định này, mỗi quầy hàng không được phép rộng quá 2m hoặc cao quá 1,5m. Các xe, quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống có chiều rộng không dưới 1m cho người đi bộ và chỉ được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn, mỗi bộ gồm một bàn và 4 ghế đồng thời chia thời gian bán hàng theo các ca ngày và ca đêm. Người bán hàng rong không được bán hàng trong khoảng cách 10m tại các khu vực bến xe buýt, lối vào ga tàu điện trên cao và tàu điện ngầm. Đối với những trường hợp không có giấy phép cố tình vi phạm quy định và bị nhà chức trách bắt được có thể phải chịu mức phạt tiền từ 2.000 bạt đến 10.000 bạt.

Một số điều kiện trong quy định trên có vẻ khó đáp ứng trong thực tế, thí dụ như có rất nhiều vỉa hè ở Bangkok chỉ có chiều rộng chưa đầy 2m, và rất khó để người bán hàng dành đủ 1m cho người đi bộ. Tuy nhiên, những người bán hàng rong ở thủ đô Bangkok thường rất có ý thức trong việc duy trì lối đi lại cho người đi bộ. Các hàng quán luôn được sắp xếp gọn gàng hết mức để có thể dành đủ chỗ cho người mua hàng và khách bộ hành đi ngang qua.

Ở đây cũng gần như không thấy xuất hiện những cảnh người bán hàng ồn ào chèo kéo du khách mua hàng. Nhưng dù vậy, tại những khu đông đúc, chật chội, việc chiếm dụng không gian vỉa hè để bán hàng cũng khiến cảnh quan lộn xộn và gây ra nhiều bất tiện. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng lo ngại về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm rác thải do các quán ăn vỉa hè gây ra.

Bangkok và bài toán giành vỉa hè ảnh 2
Những người bán hàng rong ở thủ đô Bangkok thường rất có ý thức trong việc duy trì lối đi lại cho người đi bộ. (Ảnh: NAM ĐÔNG)

10 NĂM CHO CHIẾN DỊCH "GIÀNH LẠI VỈA HÈ"

Từ năm 2014, chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch khôi phục trật tự vỉa hè ở thủ đô Bangkok với lý do “các quán hàng rong gây bất tiện và nguy hiểm cho người đi bộ”.

Nhưng sau gần 10 năm, hàng loạt chiến dịch “giành lại vỉa hè” đã không đạt được nhiều thành công do quản lý vẫn còn lỏng lẻo và sự thiếu phối hợp từ phía người dân. Trong những năm gần đây, đường phố và vỉa hè vẫn là một vấn đề gây nhức nhối và thường trở thành chủ đề tranh luận trong những cuộc bầu cử.

Quy định của BMA: Mỗi quầy hàng không được phép rộng quá 2m hoặc cao quá 1,5m. Các xe, quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống có chiều rộng không dưới 1m cho người đi bộ và chỉ được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn, mỗi bộ gồm một bàn và 4 ghế, chia thời gian bán hàng theo các ca ngày và ca đêm.

Người bán hàng rong không được bán hàng trong khoảng cách 10m tại các khu vực bến xe buýt, lối vào ga tàu điện trên cao và tàu điện ngầm. Đối với những trường hợp không có giấy phép cố tình vi phạm quy định và bị nhà chức trách bắt được có thể phải chịu mức phạt tiền từ 2.000 bạt đến 10.000 bạt.

Trong thực tế, việc di dời các quán hàng rong trên vỉa hè không đơn giản chỉ là cấm bán hàng trên vỉa hè hay di dời tới các trung tâm bán hàng tập trung khác. Từ nhiều thập kỷ qua, các quán hàng rong đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Thái. Ngoài du khách, cộng đồng dân cư địa phương, nhân viên văn phòng và người dân nghèo Thái Lan cũng là đối tượng khách hàng quan trọng của các quán vỉa hè.

Kết quả một cuộc khảo sát năm 2016 về người tiêu dùng Bangkok cho thấy có tới 87% mua hàng từ các quán đường phố; 65% mua từ ba lần trở lên trong một tuần và 60% người tiêu dùng mua đồ hằng ngày từ các cửa hàng đường phố có thu nhập chưa tới 9.000 bạt/tháng.

Bà Joy, một chủ quán hàng ăn ở trung tâm Bangkok cho biết, khách hàng của bà chủ yếu là các nhân viên văn phòng tại các doanh nghiệp trong khu vực chung quanh, thường tới quán của bà để mua đồ ăn trưa.

Bên cạnh đó, phần lớn trong số những cửa hàng này là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình bán quán. Khi việc bán hàng bị ảnh hưởng sẽ gây ra những tác động không chỉ tới người bán hàng mà tới cả những người khác trong gia đình của họ.

Bà Chủm, chủ một quầy bán xôi xoài trên vỉa hè ở khu vực Silom, chia sẻ, trong suốt 20 năm nay, cuộc sống của cả gia đình bà, bao gồm hai vợ chồng và hai con, đều trông chờ vào nguồn thu từ quầy hàng này.

Bà tâm sự: “Tôi chẳng có nhiều tiền để thuê những chỗ bán hàng tử tế như trong các khu trung tâm thương mại. Giờ mà chính quyền ra lệnh cấm không cho tôi tiếp tục bán hàng ở đây thì không biết cuộc sống của nhà tôi sẽ thế nào”.

Tháng 8/2022, sau khi tranh cử thành công chức Thị trưởng Bangkok, ông Chadchart Sittipunt đã lên kế hoạch khởi động một chiến dịch xử lý các quán hàng rong vỉa hè. Đây là một trong 216 cam kết mà ông Chadchart đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử nhằm biến thủ đô Thái Lan trở thành một thành phố đáng sống.

MỘT CHIẾN DỊCH MỚI

Học tập mô hình của Singapore, Chính quyền Bangkok dự định sẽ gom các hàng quán vỉa hè vào các trung tâm bán rong để khôi phục cảnh quan đường phố và trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Bà Kessara Thanyalakpark, cố vấn tài chính và chiến lược của Thị trưởng Bangkok, cho biết những trung tâm này sẽ được thiết lập tại các địa điểm công cộng hoặc khu đất trống gần đường, hoặc trong các ngõ và gần với địa điểm bán hàng ban đầu của các quán hàng rong để có thể thu hút các khách hàng cũ và tiện cho việc quản lý.

Sau một thời gian nghiên cứu, tháng 2/2023, Chính quyền thành phố Bangkok đã triển khai thí điểm dự án có tên gọi “Hello Hab-Re” (Xin chào Những người bán hàng rong) tại khu vực bên ngoài khu mua sắm phức hợp Samyan Mitrtown trên Đường Rama IV. Chủ sở hữu khu phức hợp Samyan Mitrtown đã đồng ý dành một khu vực để chính quyền đưa hàng chục quán hàng rong trên trong khu vực quanh đó về hoạt động tập trung trong một khu vực để bán hàng và trả lại không gian đường phố.

Bangkok và bài toán giành vỉa hè ảnh 3

Theo ông Chadchart, dự án không yêu cầu thành phố đầu tư xây dựng thêm không gian cho những người bán hàng rong mà thay vào đó thúc đẩy việc sử dụng tối đa không gian hiện có.

Ông nói: “Nếu tất cả các bên cùng hợp tác, tôi tin rằng Bangkok có đủ không gian cho tất cả mọi người. Chúng ta phải học cách chia sẻ để thành phố đáng sống hơn”.

Hiện chính quyền Bangkok cũng đang tiếp tục đàm phán với các quán hàng rong ở khu vực Silom để thành lập một trung tâm hàng rong ở khu vực này. Dự kiến, khoảng 69 quán hàng rong vỉa hè, trong đó phần lớn là các hàng ăn, sẽ được chuyển vào trung tâm hàng rong ở gần chợ đêm Patpong. Từ ngày 17/1, chính quyền đã bắt đầu tiến hành đàm phán với các chủ hàng về kế hoạch này.

Nếu tất cả các bên cùng hợp tác, tôi tin rằng Bangkok có đủ không gian cho tất cả mọi người. Chúng ta phải học cách chia sẻ để thành phố đáng sống hơn.

Ông Chadchart Sittipunt, Thị trưởng Bangkok

Mặc dù kế hoạch của ông Chadchart nhận được sự hoan nghênh của những người hay phải đi bộ trên vỉa hè, nhưng lại gặp phải sự phản đối của những người bán hàng rong trên khắp thành phố. Theo những người bán hàng, mức phí thuê chỗ mà chính quyền thành phố dự kiến áp dụng trong các trung tâm hàng rong là quá cao, doanh số bán hàng không tốt trong các khu tập trung hàng rong đã gây nhiều khó khăn cho cuộc sống.

Nhiều người bán hàng cho rằng khi di chuyển tới địa điểm mới cũng sẽ khiến khách hàng ngần ngại khi phải di chuyển xa hơn để mua hàng so với trước đó.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Joy bảo: “Giờ mà chính quyền bắt tôi phải chuyển vào trung tâm hàng rong thì tôi sẽ mất hết khách quen. Họ chỉ có một ít thời gian nghỉ trưa và sẽ chẳng tốn thời gian chạy tới tận trung tâm hàng rong để mua đồ của tôi nữa đâu”.

Trước những phản hồi của người dân về kế hoạch, ông Chadchart khẳng định nếu những người bán hàng gặp khó khăn do chính sách này gây ra, Chính quyền thành phố sẵn sàng đàm phán vì lợi ích tốt nhất cho thành phố. Với lời hứa này, bà Chủm, cùng các gia đình bán hàng rong trong khu vực Silom, đang hy vọng chính quyền sẽ lắng nghe ý kiến của họ để đưa ra một phương án hợp lý để giúp họ có thể duy trì thu nhập mà vẫn bảo đảm được mục tiêu làm sạch đường phố mà ông Chadchart đã đưa ra.

back to top