Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Mới đây, ngành văn hóa một tỉnh miền núi phía bắc vừa kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống nước ngoài tràn lan để du khách chụp ảnh tại một điểm du lịch nổi tiếng và vận động sử dụng trang phục dân tộc bản địa. Sự việc chỉ đến sau khi một nam blogger du lịch nổi tiếng đăng bài chia sẻ, thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội về vấn đề này. Đáng mừng là đa số ý kiến đều ủng hộ hạn chế sử dụng trang phục nước khác khi check-in các điểm du lịch ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch mặc áo dài tham quan Khu di tích cố đô Huế. (Ảnh: TTXVN)
Khách du lịch mặc áo dài tham quan Khu di tích cố đô Huế. (Ảnh: TTXVN)

Mặc trang phục đặc trưng của nước ngoài để chụp ảnh tại các khu du lịch Việt Nam là quảng bá hết sức vô duyên cho văn hóa nước ngoài, thiếu tôn trọng văn hóa bản địa, văn hóa dân tộc và có thể khiến du khách quốc tế hiểu nhầm. Thay vào đó nên khuyến khích check-in với trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở địa phương, vừa nổi bật, vừa phù hợp với khung cảnh.

Một hoa hậu nổi tiếng và có ảnh hưởng trong giới trẻ cũng đã lên tiếng xin lỗi vì nhận được nhiều chỉ trích của cộng đồng, vì từng đăng ảnh mặc đồ cổ trang nước ngoài tại một điểm du lịch nổi tiếng. Mặt khác, một số ý kiến cũng chỉ ra rằng hiện tượng này không chỉ do du khách mà chính các hộ kinh doanh, dân địa phương cũng góp phần. Có khi chính họ cũng không biết, không quan tâm trang phục đó của nước nào, chỉ thấy trào lưu chụp ảnh check-in như vậy thì nhập về phục vụ du khách.

Thực tế, tại nhiều điểm du lịch phổ biến khác như: Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Tràng An (Ninh Bình), Đà Lạt (Lâm Đồng)... lâu nay tràn lan các gian hàng cho thuê đồ truyền thống các dân tộc nước ngoài phục vụ khách “sống ảo”. Một nhiếp ảnh gia kỳ cựu cũng đã có lần chia sẻ đầy ngao ngán rằng đi tham quan bản Cát Cát (Sa Pa) mà ngỡ như lạc sang Mông Cổ vì phải đến 90% du khách đến đây mặc như vậy, không phân biệt độ tuổi, giới tính.

Trong khi không ít du khách nước ngoài đến Việt Nam rất yêu thích áo dài và trang phục thổ cẩm rực rỡ của đồng bào các dân tộc thiểu số, thì chính người Việt lại quảng cáo cho những bộ đồ xa lạ trên quê hương mình. Năm ngoái, một ngôi nhà cổ ở xã Ninh Xuân (Hoa Lư, Ninh Bình) sau vài bộ ảnh đẹp lan truyền trên mạng đã trở nên “hot”, du khách kéo đến nườm nượp.

Tuy nhiên, các bạn trẻ đua nhau mặc trang phục truyền thống nước ngoài để chụp ảnh và cũng gây tranh cãi. Nhiều bình luận trên các diễn đàn du lịch cho rằng mặc dù điều đó không sai trái về mặt luật pháp hay đạo đức, nhưng đáng lẽ du khách Việt nên trân trọng văn hóa điểm đến cũng như lan tỏa hình ảnh đẹp của đất nước, có thể chọn áo dài và nón lá, áo tứ thân và nón quai thao, hay cổ phục Việt Nam...

Theo thông tin mới, sau khi được chính quyền địa phương, đơn vị quản lý giải thích và vận động, các hộ kinh doanh dịch vụ ở các điểm du lịch đã nhận thức được tầm quan trọng của các giá trị văn hóa bản địa. Ngành văn hóa cũng đã có ý kiến với các khu du lịch khác để tuyên truyền, nâng cao ý thức về việc loại bỏ trang phục ngoại lai, chỉ cho thuê trang phục truyền thống của các dân tộc sinh sống ở địa phương...

Nếu như cách tân thì vẫn phải bảo đảm giữ lại yếu tố bản sắc truyền thống trong kiểu dáng, hoa văn thổ cẩm, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh địa phương.