Ðào tạo không sát thực tế
Một khảo sát mới nhất của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm nhân lực) cho thấy, trong số hơn 27 nghìn DN thuộc các ngành nghề trên địa bàn thành phố, từ năm 2010-2013, ngành CNTT có nhu cầu nhân lực rất lớn (hơn 7,7%) tổng nhu cầu nhân lực của thành phố. Trong các giai đoạn 2013-2015 và 2020-2025, mỗi năm thành phố vẫn cần tuyển khoảng 7% nhân lực CNTT trong tổng số vị trí việc làm thuộc các ngành nghề. Con số này tương đương 20.000 nhân lực, riêng ngành lập trình di động sẽ cần tới khoảng 2.300 người trong số này. Còn cả khu vực phía nam là khoảng 10.000 người/năm. Với nhu cầu đó, liệu các đơn vị đang đào tạo nhân lực cho ngành này có đáp ứng được về lượng và chất?
Theo nhiều ý kiến từ phía các DN ngành CNTT, khoảng cách giữa đào tạo tại các trường, viện đối với nhu cầu thực tế trong sử dụng nhân lực ngành CNTT tại DN là rất khác nhau. Ðại diện phòng nhân sự Công ty Gameloft Việt Nam cho rằng: Nhân lực ngành CNTT hiện nay rất khan hiếm, nhất là về nhân lực có chuyên môn cao. Trong môi trường cạnh tranh về nhân lực như hiện nay, ngay như tại đơn vị chúng tôi, khi tuyển dụng nhân viên cũng phải mất từ 2-6 tháng để đào tạo lại. Hiện nay, điểm yếu của các sinh viên ngành này mới ra trường, ngoài kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, là kỹ năng làm việc, hoạt động nhóm,...
Cũng theo khảo sát của Trung tâm nhân lực, mặc dù có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trường nghề tham gia đào tạo CNTT, nhưng chỉ có khoảng 15% tổng số sinh viên tốt nghiệp ngành này ra trường đáp ứng được nhu cầu của DN. Số còn lại hầu như phải đào tạo lại. Thực tế, các cơ sở đào tạo có uy tín về nhân lực ngành CNTT hiện nay cũng không nhiều, trong khi đó, không ít đơn vị chỉ đào tạo mang tính "phong trào", chưa chú trọng về chất lượng và tầm nhìn về nhu cầu thực tế của xã hội...
Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, cùng với sự phổ biến của các thiết bị kỹ thuật số, ngành CNTT nói chung và ngành lập trình di động đang trở nên rất sôi động. Tuy nhiên, sự sôi động ấy, nhất là đối với những ứng dụng trên các thiết bị số thì Việt Nam chủ yếu "thừa hưởng" của các hãng công nghệ, chuyên gia lập trình từ bên ngoài. Nói cách khác, thị trường lập trình di động với những sản phẩm "made in Viet Nam" đang hoàn toàn bỏ ngỏ.
Cách đây không lâu, game di động Flappy Bird của lập trình viên Nguyễn Hà Ðông đạt doanh thu một tỷ đồng/ngày được xem như một "hiện tượng" bởi những ứng dụng như thế không thường xuyên xuất hiện. Tuy nhiên, điều đó cũng khẳng định, nhân lực ngành lập trình di động trong nước không phải không làm được những gì thế giới đang làm. Chỉ có điều công tác đào tạo, ứng dụng và nhu cầu thực tế hiện nay chưa tạo đà để các lập trình viên "cất cánh" mà thôi.
Ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm nhân lực nhìn nhận: Tại TP Hồ Chí Minh, nhân lực ngành lập trình di động ngày một tăng về số lượng nhưng lại chưa thể đáp ứng yêu cầu của DN. Cứ 100 sinh viên ngành này ra trường thì có đến 80 sinh viên phải đào tạo lại. Ðể khắc phục hạn chế này, cơ sở đào tạo cũng như sinh viên cần phải trang bị cho mình tốt kiến thức, thực hành thành thạo về các kỹ năng và nhất là phải có lòng đam mê với nghề.
Mới đây, Ispace và Công ty CPS Việt Nam, một đơn vị chuyên về đào tạo kỹ thuật và lập trình trên các thiết bị di động, đã hợp tác đào tạo. Theo đó, hai đơn vị này sẽ tổ chức cho các sinh viên thực tập, trải nghiệm, thực hiện các đồ án thực tế trên các thiết bị di động tại Công ty CPS và các DN đối tác của CPS hướng đến mục tiêu khi hoàn thành khóa học, sinh viên có thể "làm chủ" nhiều lập trình khác nhau trên các thiết bị di động hiện nay...
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, đây là mô hình hợp tác với mục tiêu đào tạo các sinh viên vừa có kiến thức chuyên môn tốt, được trải nghiệm thực tế tại DN, vừa được trang bị các kỹ năng cần thiết để làm việc tại các DN sau khi ra trường...
Việt Nam hiện có gần 46% số người dùng điện thoại sử dụng smartphone (khoảng 38 triệu máy). Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển ứng dụng trên thiết bị di động lớn nhất khu vực Ðông-Nam Á và trở thành một trong mười thị trường thiết kế game cho thiết bị di động có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2013, doanh thu trực tiếp từ thị trường game cho thiết bị di động tại Việt Nam đã đạt doanh số gần 10.000 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD). Dự kiến năm 2015 sẽ đạt doanh số khoảng một tỷ USD.
(Theo Tập đoàn Gartner, Mỹ)