Đầu tư cho Thành phố Hồ Chí Minh là hiệu quả và phát triển nhất
Chiều 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Góp ý về Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh, với vị trí, vai trò quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh đại biểu nhất trí cho rằng, đầu tư cho Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tư hiệu quả và phát triển nhất, nhất là đầu tư về cơ chế và chính sách. Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất với 2 nhóm chính sách và 44 nội dung cụ thể nêu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi chưa rõ trong 44 nội dung đó đâu là cơ chế mang tính chất đột phá, cơ chế nào là chính yếu để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
“Tháo vài ba cái chốt đó, chắc chắn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bứt phá lên như ngòi kích nổ để cho thành phố vươn lên đúng tầm và vị thế của mình”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề tổ chức thực hiện chính sách. Theo đại biểu, như tổng kết, đánh giá Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 3 hạn chế chính, trong đó một số nội dung triển khai chậm, cơ chế thực hiện hiệu quả thấp, một số chính sách chưa được quy định cụ thể, phải chờ văn bản hướng dẫn.
Đại biểu cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan có và một trong những nguyên nhân chủ quan đó là sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan Trung ương còn hạn chế.
Chính phủ trình 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, đây là do vướng mắc trong cơ chế, chính sách nhưng cũng phải nhìn ở 2 góc độ, cũng có thể là do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ trong quá trình tổ chức thực hiện.
“Việc này chúng tôi còn phân vân muốn nêu ra để rút kinh nghiệm cho Thành phố Hồ Chí Minh có những giải pháp, như Nghị quyết 54 chúng ta cũng chưa gặt hái được nhiều thành công như mong đợi”, đại biểu nêu rõ.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 8/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, nếu tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách pháp luật thì không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, những tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù cũng sẽ cùng tăng trưởng, trong đó những thành phố lớn sẽ tăng trưởng, bứt phá mạnh hơn, rõ rệt hơn.
Đại biểu kiến nghị cần sớm tổng kết để sửa cơ chế, chính sách pháp luật, giúp Nghị quyết lần này sẽ thành công và thực sự có hiệu quả, là một cú hích mạnh, đột phá lớn đối với Thành phố Hồ Chí Minh để từ đó nhân rộng trong cả nước.
“Cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước”
Phát biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho rằng, cách đây 20 năm, chúng ta đã có câu "cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước", và giờ đây cũng có một quan điểm mới đó là "cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước".
Đại biểu nêu rõ những lý do để ủng hộ cho quan điểm này, theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô kinh tế lớn, đóng góp 28% GDP cả nước.
Trong lịch sử, thành phố đã từng được cả nước tin tưởng lựa chọn để thực hiện thí điểm những chính sách và đã thực hiện thành công, đi đầu một số chính sách đặc thù, như thí điểm khu chế xuất Tân Thuận, thí điểm đổi mới giá gạo trong thời kỳ bao cấp...
Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế cả nước khó khăn và trải qua thời kỳ dịch Covid-19, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, GDP đạt thấp 0,7%, trong khi cả nước đạt thấp 3,32%.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
“Vì vậy, những chính sách đặc thù để tiếp tục phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đầu tàu là một nhu cầu cấp thiết với bối cảnh hiện tại. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu của mình sẽ tiếp tục có trách nhiệm quay lại để kéo các toa tàu đằng sau”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.
Qua nghiên cứu tài liệu dự thảo Nghị quyết để thay thế Nghị quyết 54 và theo quan điểm chính sách của Bộ Chính trị, cũng như của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại biểu đề xuất các nhóm chính sách có thể xem xét để thông qua.
Theo đó, đại biểu kiến nghị cho phép Hội đồng nhân dân thành phố theo thẩm quyền sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dưới 500ha theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cho phép Hội đồng nhân dân thành phố được thông qua ban hành hệ số điều chỉnh giá đất đối với những trường hợp nhà nước đã cho thuê đất mà trả tiền thuê đất hằng năm.
Đồng thời, đại biểu đề nghị cho phép một số trường hợp thu hồi đất mà hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được bồi thường bằng tiền hoặc đất khác theo quy định; cho phép tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được phép chuyển nhượng, mua bán, thế chấp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18.
Bên cạnh đó, cho phép dự án BT đã được ký theo đúng luật trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực mà chưa hoàn thành thanh toán được thanh toán qua sử dụng quỹ đất do nhà nước quản lý theo quy định.
Cần trao quyền nhiều hơn để TP Hồ Chí Minh bứt phá
Đối với diện tích đất lấn biển, cho phép thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; cho phép thành phố đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bằng cách thực hiện đo đạc, khảo sát các diện tích đất song song đồng thời trước khi có thông báo thu hồi đất.
Đối với nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý rác thải rắn trong môi trường theo công nghệ thu hồi năng lượng, thành phố được phép quyết định bổ sung khối lượng rác thải rắn theo hình thức đặt hàng để đáp ứng các nhu cầu về môi trường của thành phố.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng bày tỏ ủng hộ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi cho rằng con người cũng là một nhân tố trong các hoạt động quản lý xã hội.
Do đó, đại biểu kiến nghị khi Quốc hội xem xét thông qua những chính sách đặc thù này thì bộ máy của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được đẩy nhanh, tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18.
“Một cơ chế, chính sách có thể chưa hoàn thiện nhưng với trình độ, năng lực, tinh thần quyết tâm và đạo đức, công chức, cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tích cực thì tôi tin rằng những chính sách, cơ chế sẽ tiếp tục được phát huy hơn nữa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố và của đất nước”, đại biểu Nguyễn Hải Nam bày tỏ.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù để đón những doanh nghiệp lớn
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) phát biểu. |
Đánh giá cao dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội lần này, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố rất đặc biệt, có thu ngân sách lớn nhất cả nước, có công dân của cả 63 tỉnh, thành phố, có rừng, biển, đồng bằng và là nơi đi đầu trong đổi mới các cơ chế, chính sách.
Cho rằng thí điểm các chính sách mới ở đây là hoàn toàn đúng đắn, đại biểu cũng đề nghị bổ sung các cơ chế khác để Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá hơn nữa.
Theo đó, để rút ngắn thời gian thực hiện vốn đầu tư công hiện nay, đại biểu đề nghị Quốc hội giao Hội đồng nhân dân thành phố quy định trình tự, thủ tục thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Đại biểu cũng kiến nghị, Quốc hội giao Hội đồng nhân dân thành phố ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn để đón những doanh nghiệp lớn.
“Như chúng ta thấy các doanh nghiệp lớn vào đầu tư thường đi kèm với điều kiện. Do vậy, nếu chúng ta thực hiện cơ chế, chính sách chung thì rất khó để cho Thành phố Hồ Chí Minh đón được những doanh nghiệp lớn”, đại biểu nêu rõ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất giao cho Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định về tuyển dụng, trả lương công chức thành phố gắn với tăng thu ngân sách.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh nhấn mạnh, nếu có cơ chế, chính sách tuyển dụng, trả lương đúng thì mới có con người “vừa hồng, vừa chuyên” để phục vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.