TP Hồ Chí Minh thông tin về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

NDO - Qua đánh giá tổng kết, thành phố nhận thấy nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54 còn chậm so với kế hoạch, bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi thông tin tại buổi họp báo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi thông tin tại buổi họp báo.

Tối 18/5, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo thông tin về quá trình xây dựng và những nội dung chính của dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước, số thu ngân sách của thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước; Đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố từng bước được cải thiện và nâng cao...

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54 còn chậm so với kế hoạch, bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Trong khi đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là: “Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; Trung tâm Tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Hướng tới các mục tiêu này, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 nhằm tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

TP Hồ Chí Minh thông tin về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 ảnh 1

Thành phố Hồ Chí Minh cần nhiều cơ chế đặc thù để tiếp tục vị thế đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cả nước phát triển đi lên.

Với Nghị quyết mới, thành phố đề ra mục tiêu là Nghị quyết cần xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố, đến nay, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Thành phố đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 thể hiện trên một số khía cạnh, lĩnh vực Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;…

Các nội dung được phân chia thành 4 nhóm:

Nhóm 1 là các cơ chế chính sách kế thừa toàn bộ và các cơ chế chính sách sửa đổi, bổ sung đã được quy định tại Nghị quyết số 54.

Nhóm 2 là các cơ chế chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; …

Nhóm 3 là các cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: Ủy ban nhân dân thành phố được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho thành phố và nhóm 4 là các cơ chế chính sách mới chưa được quy định tại Nghị quyết 54.