Cần trao quyền nhiều hơn để TP Hồ Chí Minh bứt phá

NDO - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh chủ động về nhân sự, tự tổ chức, linh hoạt về biên chế để tạo ra được bộ máy vận hành phù hợp, từ đó tiếp tục phát triển bứt phá.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận ở tổ Hà Nội chiều 30/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh phiên thảo luận ở tổ Hà Nội chiều 30/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đa số ý kiến đều nhất trí cần có một Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội khóa XIV nhằm tạo bứt phá cho thành phố vốn luôn được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Rà soát để có cơ chế phù hợp, thoáng hơn nữa cho Thành phố Hồ Chí Minh

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh vốn được xem là “hòn ngọc Viễn Đông” tỏa sáng từ những năm trước đây, nay đã bớt chói sáng bởi một số cơ chế, chính sách ràng buộc.

Tự bản thân Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành cần rà soát lại để có cơ chế phù hợp, thoáng hơn nữa để Thành phố có thể phát triển tốt hơn. “Đây là đầu tàu kinh tế, nếu tốt mới kéo được các toa tàu đi nhanh, đi xa hơn. Như Thượng Hải có nhiều cơ chế để phát triển vượt bậc so với các cơ chế khác”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận nêu quan điểm.

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tán thành các đề nghị của Chính phủ, cho rằng cơ chế đặc thù thực chất là cá biệt hóa các quy định của pháp luật để tạo ra năng lực pháp lý riêng cho các chủ thể có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau.

Cần trao quyền nhiều hơn để TP Hồ Chí Minh bứt phá ảnh 1

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

“Tôi cho rằng, trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết thì Chính phủ nên phân các địa phương ra thành các nhóm về quy mô dân số, văn hóa, cơ sở hạ tầng, giao thông… 63 tỉnh, thành phố có thể phân ra thành 5 nhóm có điều kiện tương đồng để có nhóm pháp lý tương thích”, đại biểu Vân nói.

Về tổ chức bộ máy, đại biểu Vân cho rằng, nên trao quyền tích cực hơn nhưng nếu bộ máy, nhân sự không tương xứng thì ba nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai không thực hiện được.

Cùng với đó, nên trao cho Thành phố Hồ Chí Minh quyền tự tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ, chức năng trên cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh xác định. Các sở, ban, ngành chuyên chính, nội chính có thể giữ nguyên, các sở khác nên trao cho Thành phố Hồ Chí Minh tự tổ chức, linh hoạt biên chế để họ tạo ra được bộ máy vận hành phù hợp.

“Quyền quản lý nhân sự cũng nên được trao cho Thành phố Hồ Chí Minh, họ có thể được phân công cao hơn, chẳng hạn như cấp thường vụ thì nên cho Thành phố Hồ Chí Minh tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước pháp luật. Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên được quyền ban hành các quy định vượt trội để họ năng động, tự chủ thu hút nhân tài, nhất là về nhân sự khoa học công nghệ”, đại biểu Vân đề xuất.

Thanh toán hợp đồng BT bằng tiền phù hợp điều kiện phát triển

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là một đại đô thị có tốc độ phát triển nhanh, có nguồn lực, đặc tính, điều kiện khai thác riêng, đồng thời là một mảnh đất năng động, sáng tạo. Cho nên, cần có các cơ chế đặc thù, khuôn khổ pháp lý riêng để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển, đi trước.

Cần trao quyền nhiều hơn để TP Hồ Chí Minh bứt phá ảnh 2

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại tổ chiều 30/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Cường phân tích, trong dự thảo Nghị quyết có một số cơ chế được đánh giá đặc thù rất cần nhấn mạnh, đầu tiên là cơ chế thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách Thành phố.

Đại biểu cho biết, trước đây đã phải bỏ hình thức BT vì thanh toán bằng đất không ngang giá, dẫn đến vật đổi vật sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Còn hợp đồng BT thanh toán bằng tiền là cơ chế hoàn toàn đúng với điều kiện phát triển.

“Nếu làm tốt BT bằng tiền thì sẽ tiến dần đến chỗ có cơ chế đặt hàng Chính phủ cho các nhà đầu tư để đầu tư vào nhiều công trình công, dự án công, các sản phẩm, thậm chí tạo ra được nhiều ngành nghề tạo trụ cột cho nền kinh tế”, đại biểu Cường cho hay, và kỳ vọng cơ chế này sẽ trở thành cơ chế rộng khắp trên cả nước.

Cơ chế đặc thù thứ hai được đại biểu Cường nhấn mạnh là mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), phù hợp với các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Đại biểu nêu thực trạng, có nhiều dự án giao thông đầu tư xong nhưng không phát triển được các đô thị theo đúng hướng tuyến, dẫn đến tiền bỏ ra làm giao thông rất lớn nhưng đô thị lại phát triển nhếch nhác. Do vậy, nếu những tuyến giao thông đầu tư xây dựng, đồng thời cho phép đầu tư phát triển các đô thị một cách đồng bộ sẽ tạo nên một hệ thống đô thị hiện đại, văn minh.

Bổ sung công nghiệp văn hóa, sáng tạo vào ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược

Góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) đề xuất bổ sung thêm các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo vào danh sách ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố Hồ Chí Minh (quy định tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết).

Cần trao quyền nhiều hơn để TP Hồ Chí Minh bứt phá ảnh 3

Đại biểu Bùi Hoài Sơn góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết chiều 30/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu đoàn Hà Nội nêu rõ, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 xác định Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa sáng tạo của cả nước, cùng Hà Nội và Đà Nẵng. Nếu được tập trung đầu tư, các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo sẽ tạo ra lợi thế phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Sơn đánh giá cao việc Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất áp dụng phương thức này đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn khi trong Tờ trình của Chính phủ lại loại trừ các di tích, di sản văn hóa ra khỏi danh mục.

Theo đại biểu, di sản văn hóa có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong di sản văn hóa vật thể gồm cả danh lam thắng cảnh, thậm chí là có thể xếp các bảo tàng vào danh sách này. Nếu không tháo gỡ cho các di tích, di sản này ở khía cạnh đối tác công tư thì sẽ không thể giải quyết được những khó khăn hiện nay.

“Các danh lam thắng cảnh, bảo tàng… cần phải có đối tác công tư để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động theo hướng phong phú hơn, đa dạng hơn và hấp dẫn hơn đối với du khách, người tham quan”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu rõ.