Cần những cơ chế, chính sách đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh cất cánh

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/4/2023, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã phối hợp cùng Công ty Hitachi tổ chức buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ Ga Bến xe Suối Tiên đến Ga An Phú thuộc Tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên). Lộ trình dài khoảng 12,3km. (Ảnh: THẾ ANH)
Ngày 26/4/2023, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã phối hợp cùng Công ty Hitachi tổ chức buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ Ga Bến xe Suối Tiên đến Ga An Phú thuộc Tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên). Lộ trình dài khoảng 12,3km. (Ảnh: THẾ ANH)

Tuy nhiên, sự biến động rất nhanh và khó lường của kinh tế, địa, chính trị trên thế giới cùng với quá trình thay đổi môi trường kinh tế trong nước, đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách, luật được sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý chuẩn mực hơn, đã khiến một số nội dung của Nghị quyết 54/2017/QH14 không còn phù hợp.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 54/2017/QH14 là hết sức cấp thiết nhằm tạo cơ chế, chính sách vượt trội để Thành phố Hồ Chí Minh cất cánh.

Cơ chế, chính sách đặc thù cho sự đột phá

Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Do đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của thành phố và đã có những cơ chế, chính sách, định hướng mục tiêu phát triển.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để hiện thực hóa các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra cho thành phố, đòi hỏi phải có một hệ thống đồng bộ các cơ chế, chính sách vượt trội, được “luật hóa” thông qua một Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54). Các cơ chế, chính sách này được xây dựng trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển thành phố mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Đồng thời, phải khơi thông được các điểm nghẽn, các nút thắt cản trở sự phát triển, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế; huy động tối đa các nguồn lực sẵn có; tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Với vai trò là đơn vị chủ trì soạn thảo và trình cấp thẩm quyền phê duyệt Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, thành phố đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW và Nghị quyết số 54, đồng thời hoàn thành Đề án ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh tại Dự thảo Nghị quyết gồm bốn nhóm.

Thứ nhất là nhóm cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 bao gồm việc kế thừa và sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách đã được áp dụng có hiệu quả thời gian qua, thí dụ như: Hội đồng nhân dân quyết định dự toán ngân sách thành phố, phí, lệ phí, mức dư nợ vay...

Thứ hai là nhóm cơ chế, chính sách đã được áp dụng có hiệu quả tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: Hội đồng nhân dân quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha; Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch...

Thứ ba là nhóm cơ chế chính sách đã được đề cập trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới như: Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất; thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, cho thuê đất đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới...

Ba nhóm cơ chế, chính sách nêu trên sẽ có tác động, hiệu quả ngay khi áp dụng do đã hoặc dự kiến được “luật hóa”, tạo hành lang pháp lý vững chắc và có kinh nghiệm triển khai thực tiễn.

Thứ tư là nhóm cơ chế chính sách mới, chưa được quy định tại Nghị quyết đặc thù cho thành phố hoặc các địa phương khác.

Tuy nhiên, đây là nhóm cơ chế, chính sách quan trọng, cần thiết để Thành phố Hồ Chí Minh có thể đột phá những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực và tạo điều kiện để thành phố phát triển trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm thành công tại một số quốc gia trên thế giới để thiết kế và vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Những chọn lựa

Mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD - Transit Oriented Development), là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, là lời giải cho các đô thị có mật độ dân cư cao, làm gia tăng giá trị đất đai, không gian đô thị, phù hợp với những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

TOD là mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán, trong đó, lấy đường sắt đô thị làm hạt nhân trung tâm của hệ thống đô thị. Nhật Bản, Hàn Quốc... đã thực hiện mô hình này hàng chục năm về trước và đã phát triển thành công những đô thị hiện đại.

Đối với cơ chế đầu tư các dự án theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa. Việc áp dụng hình thức PPP trong các dự án đầu tư liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông... đã mang lại hiệu quả cao.

Trên cơ sở đó, mở rộng hình thức PPP đối với các dự án thuộc lĩnh vực thể thao, văn hóa (như công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp thời trang...) có thể tận dụng được những ưu điểm, lợi thế do phương thức này mang lại.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC) có vai trò quan trọng trong việc kết nối, huy động các nguồn lực, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện vai trò nhà đầu tư xung kích thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân trong triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.

Do đó, việc ban hành cơ chế tăng cường vai trò của HFIC là cần thiết.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm sút do cạnh tranh giữa các quốc gia và việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trung tâm thu hút FDI của cả nước, cần phải có các giải pháp, quy định các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài nhằm duy trì và tăng trưởng FDI trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 là văn bản pháp lý cao nhất quy định về thị trường các-bon. Để thích ứng và tham gia hiệu quả vào thị trường các-bon, dự kiến bắt đầu từ năm 2028, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất các cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát khí thải nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.

Một số các cơ chế phù hợp khác cũng được Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất như phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được thông qua sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, là nền tảng để thành phố giải tỏa những khó khăn, vướng mắc dồn tích, tạo nguồn động lực mới, năng lượng mới đưa thành phố trở lại quỹ đạo phát triển vốn có, tạo sức lan tỏa cho khu vực Đông Nam Bộ và xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.