Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh cần mang tính đột phá, vượt trội

NDO - Những cơ chế, chính sách mới đề xuất áp dụng thí điểm cho TP Hồ Chí Minh cần “mang tính đột phá”, “vượt trội” theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội; song cũng cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trong phiên họp chiều 12/5. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trong phiên họp chiều 12/5. (Ảnh: DUY LINH)

Quan điểm trên được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/5.

Áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông

Dự thảo Nghị quyết có 2 loại chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể, bao gồm: các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54, các Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác và đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội.

Các chính sách mới lần đầu được quy định với 4 nhóm vấn đề: đầu tư; tài chính-ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Về quản lý đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD - Transit Oriented Development) - là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với quy định trên, vì đây là chủ trương, cách làm đúng đắn mà Nghị quyết 31 đã yêu cầu phải thực hiện, theo đó cần phát triển “các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)”.

Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh cần mang tính đột phá, vượt trội ảnh 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời, đây cũng là bước tiệm cận kinh nghiệm quốc tế, góp phần huy động nguồn lực, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, làm tăng thu ngân sách từ chênh lệch địa tô, và tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch.

Tuy nhiên, căn cứ dự thảo Luật, TP Hồ Chí Minh chỉ được thực hiện trên địa bàn nhất định là: “Vùng phụ cận nhà ga thuộc tuyến đường sắt số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), số 2 (Bến Thành-Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3”.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, quy định này có thể bó hẹp, hạn chế hiệu quả chính sách trong khi có những vị trí khác nếu triển khai có thể sẽ mang lại hiệu quả cao. Do vậy, đề nghị nghiên cứu, áp dụng thí điểm chung cho cả Thành phố để chính sách có quy mô tương xứng, đột phá và tạo thế chủ động cho Thành phố trong thực hiện.

Trong dự thảo Nghị quyết, Chính phủ cũng đề xuất TP Hồ Chí Minh được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để bổ sung kế hoạch đầu tư công.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với quy định này vì cho rằng TP Hồ Chí Minh là địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, việc đầu tư hạ tầng là nhu cầu cấp bách. Ngoài ra, Thành phố có đủ nguồn lực ngân sách để thực hiện.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban lưu ý cần quy định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan trong bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, nhất là người có thẩm quyền; đồng thời việc phân bổ cần tiêu chí rõ ràng, minh bạch, tránh dàn trải, thất thoát, lãng phí.

Chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ

Về chi thu nhập tăng thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo Luật về chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Theo đó, quy định này kế thừa Nghị quyết 54, được tiếp tục thực hiện tại Nghị quyết 76 và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW, đó là: “có cơ chế, chính sách vượt trội thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học”.

Đồng thời, không trái với quy định tại Nghị quyết 27 của Bộ chính trị: “Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”. Như vậy, quy định của Dự thảo là hợp lý nếu mức chi không quá 0,8 lần quỹ lương thuộc phạm vi quản lý.

Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh cần mang tính đột phá, vượt trội ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: DUY LINH)

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tham khảo cách thể hiện như của Nghị quyết 76/2022/QH15, trong đó, việc chi thu nhập tăng thêm thì thực hiện như Nghị quyết 54 nhưng cần tính toán cân đối để không vượt tổng mức 0,8 quỹ lương cơ bản như Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.

“Hàm ý là có thể trả 1,8 lần, thậm chí là có thể trả cho đối tượng nào đó 2 lần nhưng tổng không vượt quá tổng mức là 0,8 quỹ lương cơ bản”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Mở rộng phạm vi áp dụng PPP sang nhiều lĩnh vực

Liên quan đến các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đề xuất nhiều nội dung mới như cho phép áp dụng đầu tư PPP với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa có quy mô không thấp hơn 100 tỷ; được áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu…Những đề xuất này được cơ quan thẩm tra đồng tình.

Một số ý kiến đề nghị áp dụng PPP đối với cả lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và giao cho HĐND Thành phố quyết định mức cụ thể trên cơ sở nhu cầu các dự án cần xã hội hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đa số ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với việc cần mở rộng phạm vi áp dụng PPP hơn so với nội dung đề xuất, không chỉ là lĩnh vực thể thao mà có thể văn hóa, y tế, tức là những gì mà luật không quy định nhưng Thành phố thấy cần thiết thì có thể mở rộng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, không cần thiết phải quy định tổng mức đầu tư mà phân cấp cho Thành phố chủ động trong thực hiện.

Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh cần mang tính đột phá, vượt trội ảnh 3

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về triển khai BOT trên đường hiện hữu, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với dự thảo, đồng thời đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra nghiên cứu có thêm quy định có tính chất như “van khóa”, quy định về điều kiện, thủ tục thực hiện để hài hòa lợi ích của Nhà nước về người dân và chủ đầu tư.

Ngoài ra, Thành phố cũng nên tính toán kỹ phương án tài chính và các cơ chế chính sách kèm theo để bảo đảm hài hòa và hợp lý trong quá trình tổ chức và triển khai.

Liên quan hợp đồng BT, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung trình, đề nghị có tính toán thêm về cách thức hợp đồng BT, có thể vừa trả bằng đất ở, có thể vừa trả bằng tiền, hoặc khi thanh toán chênh lệch có thể bằng tiền hoặc có thể bằng đất hoặc cả hai để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay có các ý kiến đề xuất mạnh dạn nghiên cứu để chuyển Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) thành một Quỹ đầu tư của chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu tính toán thêm đề xuất này.