Giúp doanh nghiệp vượt khó, phát triển kinh doanh

NDO - Những khó khăn về sụt giảm đơn hàng, cùng xu hướng gia tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp trong nước bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sức mua tiêu dùng sụt giảm cũng làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp cạn kiệt. Do đó, nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp nhuần nhuyễn nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp.
Việc tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp đang là vấn đề được ưu tiên hiện nay.
Việc tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp đang là vấn đề được ưu tiên hiện nay.

Đây là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp được Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/7, tại Hà Nội.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 về tình hình kinh tế-xã hội được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây đã cho thấy, bức tranh của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 còn khó khăn, không thực sự thuận lợi.

Theo đó, cả nước có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường (tăng 2,9% so cùng kỳ); trung bình mỗi tháng có 18.900 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Trong đó, có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% và 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cũng có tới 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2%; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8% so cùng kỳ.

Như vậy, chỉ sau nửa đầu năm 2023 đã có tới 100 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường, trung bình một tháng có 16.700 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Những thống kê trên cũng cho thấy dấu hiệu bất thường của nền kinh tế khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao lại hơn nhiều so với số doanh nghiệp mới thành lập mới.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, thời gian qua do biến động phức tạp về địa chính trị thế giới và các thị trường lớn của Việt Nam đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột Nga-Ukraina chưa có hồi kết; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn,...

Ngoài ra, với sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác nước ngoài hay của thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ,... đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Giúp doanh nghiệp vượt khó, phát triển kinh doanh ảnh 2

VCCI sẽ tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ trong việc có giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng

Cắt giảm thực chất các chi phí cho doanh nghiệp

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Ở thời điểm khó khăn về thị trường, cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Trong những khó khăn trên, doanh nghiệp gặp khó nhất là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thiết thực hiện cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Bởi thể chế cũng có một số tác động không mong muốn cho doanh nghiệp khi không chỉ tạo thêm thủ tục hành chính, mà thể chế còn tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ lớn đối với doanh nghiệp.

Dẫn chứng với Dự thảo quyết định định mức tái chế vừa được bàn thảo, ông Hiếu cho hay, ngoài thủ tục hành chính, dự kiến những doanh nghiệp không tự tái chế phải nộp khoản tiền cho Quỹ bảo vệ môi trường hay dự kiến tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Như vậy, về mặt lý thuyết, một quy định pháp luật lại đang tạo ra 5 loại chi phí: chi phí thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí đầu tư tính bằng tiền, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức. Do đó, cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khóa và tiền tệ trong ngắn hạn. Nó không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật.

Tuy nhiên, thực hiện cải cách thể chế hiện nay đang đối mặt với 4 thách thức. Đó là cắt giảm chi phí tuân thủ từ những quy định hiện hành; lo lắng chi phí mới sẽ phát sinh từ quy định đang dự thảo và sẽ ban hành như định mức tái chế, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt…; những chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí kinh doanh như thuế carbon; các nước trong khu vực đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ, tăng lợi thế cạnh tranh.

Vì vậy, chúng ta cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu thực sự chưa cấp bách, đừng ban hành quy định mới; nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để doanh nghiệp có thời gian "ổn định sức khỏe" và chuẩn bị phương án tuân thủ đồng thời có hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp trong tuân thủ quy định như: phòng cháy chữa cháy, kiểm đếm CO2,… theo đúng địa điểm, đúng nhu cầu, bảo đảm tuân thủ pháp luật.

Song ông Hiếu cho rằng, về lâu dài cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên.

Đề cao hơn nữa tiếng nói của các hiệp hội doanh nghiệp

Chia sẻ về những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải, ông Cao Tiến Đoan Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp phải "gồng mình" đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Dù sau hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, tuy các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi ngay lập tức nhưng ngay sau đó lại vướng phải những quy định về luật phòng cháy chữa cháy hay tình trạng mất điện đột ngột và liên tục làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh

Bên cạnh đó, vẫn còn một "vùng xám" trong xu hướng cải cách hành chính khi còn tình trạng một số bộ phận công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc,… vì sợ sai, sợ trách nhiệm, nên không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Đây được coi là “cơn bão ngầm trong thủ tục hành chính” khi vô hình chung gây mất thời gian và thời cơ của doanh nghiệp, làm trì trệ bộ máy Nhà nước, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, ông Đoan cũng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp luôn biết ơn sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, khi tiếng nói từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp luôn được lắng nghe. Song để tiếp tục tháo gỡ những "điểm nghẽn" đang tồn tại, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương cần đề cao hơn nữa tiếng nói của doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các quy định không phù hợp.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho những doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu; chỉ đạo và giám sát hệ thống ngân hàng thương mại tại địa phương thực hiện nghiêm việc giãn hoãn nợ, giãn thời gian trả lãi theo đúng tinh thần của Chính phủ.

Cộng đồng doanh cam kết sẽ nỗ lực hết mình, thượng tôn pháp luật, cùng đồng hành với cả hệ thống chính trị, đoàn kết, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp vào sự phát triển của đất nước

Giúp doanh nghiệp vượt khó, phát triển kinh doanh ảnh 4

Chính phủ cần mạnh dạn có những giải pháp có tính đột phá, tháo gỡ những "điểm nghẽn", ban hành các chính sách thực sự phù hợp hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm triển khai chính sách hỗ trợ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan

Hiện Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không chỉ những từ khó khăn từ nội tại mà còn có những khó khăn chung của toàn thế giới khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng chững lại, thậm chí là suy thoái. Xuất phát từ những khó khăn từ thực tiễn, Đảng và Nhà nước đã tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa công ăn việc làm và các yếu tố khác.

Thực tế trong thời gian qua, có rất nhiều chính sách về tài khóa và tín dụng đã được ban hành. Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho rằng, vẫn còn hai vấn đề quan trọng cần được lưu ý gồm: bản thân các cơ chế chính sách đã phù hợp với thời điểm nhưng có thể chưa thực tế đối với một số ngành nghề, đối tượng và nội tại của các doanh nghiệp được thụ hưởng tiếp cận thế nào và hấp thụ.

Có thể thấy, Chính phủ đã đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn lên trọng tâm hàng đầu, các chính sách ban hành ra phải thông thoáng, rõ ràng… Theo ông Long, để thực hiện được việc này phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Trong quá trình vận hành cơ chế chính sách, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các kiến nghị trực tiếp về các vấn đề cần tháo gỡ trong thực tế.

Tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp. Tiếng nói từ hiệp hội doanh nghiệp là tiếng nói cụ thể nhất, thực tế nhất để Chính phủ lắng nghe và thực hiện đổi mới về cơ chế chính sách.

Chính phủ luôn coi nhiệm vụ hàng đầu là phục hồi cho các doanh nghiệp, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp, vì vậy đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao tiếng nói về các cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp của mình, tiếp tục kiến nghị về các vấn đề cần tháo gỡ và hoạt động đổi mới chính sách.