Doanh nghiệp khó chồng khó bởi những rào cản
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, bên cạnh những điểm sáng vẫn còn không ít "gam màu trầm". Tăng trưởng GDP quý I năm 2023 đạt 3,32%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng; một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Vì vậy, nhận diện cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó xây dựng và triển khai quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục, tháo gỡ vướng mắc, bất cập là đòi hỏi cấp bách. Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để các quyết sách của Quốc hội thật sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Các đại biểu trăn trở trước con số gần 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản. "Sức khỏe" của doanh nghiệp yếu đi đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội. Số lao động mất việc làm trong quý I/2023 là 149.000 lao động, tăng 39.000 lao động so với cùng kỳ năm trước.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cảnh báo sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên năm thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Những quy định chưa hợp lý, những ách tắc trong kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp "knock out" ngay trên sân nhà của chính mình. Nhấn mạnh doanh nghiệp ví như xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, suy yếu thì nền kinh tế khó khăn, đại biểu này kiến nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp. Trước mắt, rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiết giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp. Theo ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, như giảm lãi suất ngân hàng; giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi suất, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
Tập trung vào vấn đề vốn, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) đề cập nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, không bảo đảm điều kiện vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nên không có đề xuất hỗ trợ. Vì vậy, Chính phủ cần sớm rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Đánh giá 3 đợt giảm lãi suất điều hành từ đầu năm 2023 là nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp; cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cũng cần quy định trần room tín dụng, tránh tình trạng "phanh gấp" nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.
Cần tháo gỡ ngay những vướng mắc đối với quy định Phòng cháy chữa cháy
Quy định mới về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đang gây ra nhiều rào cản với doanh nghiệp, đó là băn khoăn của một số đại biểu khi phát biểu tại nghị trường. ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng tồn đọng nhiều hồ sơ xin thẩm duyệt PCCC công trình, nhà xưởng chưa được nghiệm thu để đưa vào hoạt động cho doanh nghiệp do không đủ điều kiện đáp ứng theo quy định mới, do chưa có sự đồng bộ trong hướng dẫn thực hiện giữa các ngành chức năng. Trong khi đó, hồ sơ được phê duyệt về PCCC là một trong những yêu cầu pháp lý bắt buộc để đối tác nước ngoài xem xét, đánh giá năng lực của doanh nghiệp trước khi ký hợp đồng đặt hàng. Hiện tại nhiều doanh nghiệp đã gửi hồ sơ thẩm duyệt qua nhiều tháng nhưng vẫn chưa được chấp thuận, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động khi doanh nghiệp không ký kết được đơn hàng.
Ở một góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) phản ánh các doanh nghiệp cho rằng nhiều quy định mới về PCCC là vượt cả nước phát triển và chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam. Nhiều công trình được đầu tư theo phương án cũ, bảo đảm quy định tại Nghị định số 97/2014, nay lại yêu cầu thẩm định tuân thủ theo những quy định mới được ban hành tại Nghị định số 136/2020, do đó phát sinh nhiều vướng mắc, làm tăng thời gian, làm tăng chi phí tuân thủ. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về PCCC được ban hành không phân được quy mô dự án, tính chất công trình, quy định yêu cầu sử dụng vật liệu chống cháy như sơn, vữa chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam. Một số đại biểu lo lắng, không nghiệm thu được công trình mới sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.
Từ thực trạng đó, các ĐBQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần quyết liệt thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, sớm rà soát, sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan đến PCCC cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, tránh phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định Bộ trân trọng lắng nghe, cầu thị và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Báo cáo trước Quốc hội cập nhật tình hình kinh tế-xã hội tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh "công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện". Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã xử lý bất cập, điểm nghẽn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; khai thác hiệu quả thị trường trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số...