Kinh tế rất khó khăn nhưng còn dư địa cho phục hồi và tăng trưởng

NDO -

Tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với kịch bản điều hành và là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhưng bước sang tháng 4/2023, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội bắt đầu chuyển biến và có tín hiệu khả quan. 

0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Cấn Văn Lực.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực.

Một số định chế tài chính dự báo kinh tế Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng trưởng và đà tăng trưởng sẽ tích cực hơn từ quý II. Phóng viên Báo Nhân Dân trao đổi với Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia về vấn đề này.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Phóng viên: Kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt ra khỏi mọi dự báo. Từ kết quả tăng trưởng quý I và 4 tháng đầu năm, ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ suy thoái nhẹ, chỉ tăng trưởng 2-2,8% khiến thị trường xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam bị thu hẹp và tăng chậm lại; du lịch quốc tế cũng phục hồi chậm so với các nước.

Rõ ràng những tác động từ bên ngoài đang diễn biến xấu đi với nhiều biến số bất định của kinh tế thế giới trong khi nội tại của nền kinh tế cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức làm suy giảm động lực tăng trưởng. Bên cạnh đó, hiện tượng cán bộ công chức sợ sai, né trách nhiệm, không giải quyết công việc đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình phục hồi kinh tế.

Điểm tích cực là lạm phát thế giới dường như đã qua đỉnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tạm dừng tăng lãi suất. Điều này sẽ giảm áp lực mất giá VNĐ, giúp tỷ giá VNĐ/USD ổn định trong thời gian tới, đồng thời sức ép đối với lạm phát trong nước cũng giảm đi.

Nhiều dự báo cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,3%-6,5% năm 2023 nhưng chúng tôi đưa ra kịch bản thận trọng hơn với mức tăng trưởng dự báo từ 5,5%-6%. Vì để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đề ra, các quý còn lại phải tăng trưởng rất cao hơn 7%, điều này rất khó thực hiện.

Phóng viên: Theo ông, đâu là thách thức, cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài khi mặt bằng lãi suất thế giới tuy đang giảm nhưng vẫn ở mức cao; rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Ở trong nước, giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi kinh tế và đầu tư công chưa thể có đột phá. Tình hình doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản tăng đột biến, gần bằng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường.

Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều ách tắc về vấn đề pháp lý, tiếp cận vốn. Một số lĩnh vực chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Nhưng trong "nguy" có "cơ", chúng tôi nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho phục hồi và tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có nhiều tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và sự phục hồi của ngành du lịch.

Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 được bố trí hơn 700.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022, là mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu phấn đấu giải ngân hết 95% vốn đầu tư công như mục tiêu Chính phủ đề ra sẽ đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm cho tăng trưởng cả năm.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ và tiêu dùng vẫn trong xu hướng phục hồi tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng. Lạm phát toàn cầu đang giảm dần cùng với nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nước cũng là yếu tố giúp nền kinh tế không phải quá thận trọng với lạm phát, từ đó có dư địa phục hồi tốt hơn.

Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì là nền tảng quan trọng để Việt Nam có dư địa chính sách hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là chính sách tài khóa.

Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực

Phóng viên: Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô đang gia tăng khiến dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ có thể khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, ông có đề xuất gì về trọng tâm chính sách tài khóa hỗ trợ cho tăng trưởng?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Chính sách tiền tệ năm nay phải đa mục tiêu hơn vì gánh thêm nhiệm vụ ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có rất nhiều bất ổn.

Ngân hàng Nhà nước đã chuyển trạng thái chính sách từ chặt chẽ, thận trọng sang nới lỏng thận trọng để hỗ trợ tăng trưởng. Cần tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Chính sách tài khóa còn nhiều dư địa khi nợ công và nợ Chính phủ ở mức khá xa so với mức trần cho phép, vì vậy chính sách tài khóa tiếp tục phải là chính sách chủ lực hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, cần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023; yêu cầu đẩy nhanh hoàn thuế VAT; chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% VAT và các phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí,… hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Phối hợp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội để giảm ách tắc dòng tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển cũng là giải pháp cần ưu tiên thực hiện.

Phóng viên: Lãi suất và tỷ giá là hai biến số rất quan trọng mà doanh nghiệp và thị trường quan tâm, ông dự báo gì về hai biến số này trong những tháng còn lại?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Về lãi suất, dự báo từ nay đến cuối năm FED sẽ không tăng lãi suất nữa sau 10 lần tăng nhanh lãi suất lên mức kỷ lục kể từ năm 2007. Nếu tình hình kinh tế xấu đi, khả năng lãi suất sẽ đảo chiều giảm từ đầu năm 2024.

Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo chỉ thực hiện một lần tăng lãi suất nữa. Do đó, dự báo lãi suất sẽ đi ngang đến cuối năm 2023.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đi trước một bước khi giảm lãi suất điều hành về mức 5,5% trong tháng 3/2023 và thị trường đang kỳ vọng lãi suất này tiếp tục giảm về mức 4% trong năm 2025, tức là trở lại mức thấp tương đương như trước đại dịch Covid-19.

Về tỷ giá, mức biến động tỷ giá USD/VNĐ 3% trong năm 2022 là chấp nhận được. Dự báo năm 2023, đồng USD mất giá và các đồng tiền khác sẽ tăng giá trở lại, trong đó VNĐ đã tăng giá khoảng 0,7-0,8% so với USD. Chúng tôi dự báo tỷ giá cơ bản cả năm 2023 sẽ cơ bản ổn định, nếu mất giá cũng chỉ khoảng 0,5-1%.

Về tín dụng, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 13%, thấp hơn con số mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn và tốc độ tăng cung tiền cũng dự báo khả quan hơn năm trước với mức tăng trưởng khoảng 10% (năm 2022 tăng 8%), đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán dự báo cũng phục hồi trở lại, tăng khoảng 15%.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!