Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế vẫn chưa thoát đáy tăng trưởng, doanh nghiệp còn khó khăn. Trong bối cảnh các cân đối vĩ mô ổn định, lạm phát giảm dần, nhiều ý kiến cho rằng có thể giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất do thiếu đơn hàng. Ảnh: SONG ANH
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất do thiếu đơn hàng. Ảnh: SONG ANH

Doanh nghiệp chưa hết khó

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 đạt 4,14%; sáu tháng đầu năm đạt 3,72%. Đây là mức tăng trưởng gần thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, chỉ cao hơn GDP quý II và sáu tháng đầu năm 2020 (lần lượt là 0,34% và 1,74%), giai đoạn bùng phát dịch Covid-19.

Sáu tháng đầu năm nay, mặc dù khu vực công nghiệp đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I/2023, đạt mức tăng 1,56%; tuy nhiên giá trị tăng thêm của khu vực này chỉ đạt 0,44% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo (vốn là động lực của xuất khẩu) chỉ tăng 0,37%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong 10 năm trở lại.

Có thể thấy, mức tăng GDP 3,72% trong nửa đầu năm thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,2%. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 1,13%, trong khi kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,7%.

Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, số liệu vĩ mô quý II/2023 cho thấy, nền kinh tế đã bớt khó khăn hơn quý trước (tăng trưởng GDP quý I/2023 là 3,32%) song vẫn nằm trong vùng đáy tăng trưởng. Cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng xuất khẩu tiếp tục giảm tốc, cho thấy kinh tế toàn cầu, nhất là những quốc gia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam chưa hoàn toàn hồi phục.

“Các quý tiếp theo, có thể tình hình sẽ không xấu đi nhưng hiện tại cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế sẽ bứt phá, đảo ngược xu thế tăng trưởng chậm hiện nay”, ông Bình nói.

Vừa qua, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam từ 6,5-7,5% trước đây xuống còn khoảng 4,7-5,5%. Bình luận về điều này, TS Lê Duy Bình nhận định, đây cũng không phải chỉ tiêu quá thấp so với tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới và khu vực hiện nay. Song rõ ràng, với tốc độ này, để đạt mục tiêu tăng GDP cả năm 6,5% đòi hỏi hai quý còn lại phải đạt mức GDP 9-10%, đây là mục tiêu khá thách thức.

Khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp. Trong sáu tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Thời gian gần đây, các số liệu về lao động - việc làm cho thấy ngày càng nhiều người lao động làm đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là những người lao động trong khu vực doanh nghiệp xuất khẩu bị mất đơn hàng, những doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất…

Theo đó, sáu tháng đầu năm nay riêng Hà Nội có hơn 43.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí cao hơn cả lúc đại dịch. Tại Đồng Nai, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, năm tháng đầu năm nay ghi nhận tới hơn 28.000 lượt lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần.

Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa chiều 11/7, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ, chưa có khi nào, cộng đồng doanh nghiệp lại phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu phục hồi thì ngay lập tức phải đóng cửa, do vướng những quy định mới phát sinh về phòng cháy, chữa cháy. Một số doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục để trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường, thì tiếp tục gặp các sự cố mất điện đột ngột và liên tục.

Thêm vào đó, tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng, dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, một số chính sách hỗ trợ khó tiếp cận.

Thêm dư địa cho chính sách tiền tệ

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023 diễn ra hôm 4/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng, thậm chí phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) không thuận lợi.

Trong khi đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn khó khăn. Dư nợ tín dụng đến ngày 20/6 chỉ tăng 3,58% (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,11%); khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thấp.

Theo các chuyên gia, dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp hiện nay chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế yếu và lãi suất còn cao nên doanh nghiệp không muốn hoặc không có khả năng vay.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9% (công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

“Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, làm giảm tổng cầu, đồng thời làm tăng nợ xấu”, ông Độ nói.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã bốn lần giảm lãi suất điều hành; từ đó mặt bằng lãi suất huy động đã giảm, lãi suất cho vay cũng đã giảm nhưng còn chậm do có độ trễ. Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá đã ổn định, lạm phát thấp hơn dự báo, đã đến lúc NHNN nên nghiên cứu giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất ít nhất 1,5-2%

Tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 8/7/2023, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương:

Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý… để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13-15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn).

Trong Báo cáo “Kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, đơn vị này đã đưa ra ba kịch bản tăng trưởng GDP năm nay, lần lượt là 5,34%; 5,72% và 6,46%, đều thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 6,5%. Đáng lưu ý, CIEM cho rằng để đạt được kịch bản khả quan là GDP tăng 6,46% đòi hỏi một loạt giả thiết tích cực, bao gồm cả việc Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ.

Khi được hỏi quan điểm về giảm thêm lãi suất, TS Lê Duy Bình cho rằng, bối cảnh hiện nay đang mở ra thêm dư địa cho chính sách tiền tệ. Theo ông Bình, dựa trên những điều kiện kinh tế vĩ mô hiện đang ổn định như lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thanh toán, tỷ giá,… Nhà nước có thể sử dụng công cụ tiền tệ để tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, việc giảm lãi suất cần đi liền với năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách tiền tệ vẫn phải song hành với chính sách tài khóa, trong đó đầu tư công và những chính sách về thuế, phí… là động lực quan trọng.