Giữ gìn, phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định

Nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định là địa phương có một kho tàng di sản văn hóa phong phú và giá trị. Trong đó, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân trình diễn nghi lễ hầu đồng tại Quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định).
Các nghệ nhân trình diễn nghi lễ hầu đồng tại Quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định).

Lan tỏa giá trị di sản

Đồng chí Doãn Sinh Nam, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết, theo đánh giá của UNESCO, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam là một sinh hoạt tâm linh, một hình thức thờ cúng bản địa mang tính tôn giáo, tín ngưỡng. Chủ thể của di sản tín ngưỡng này là các thủ nhang, thầy cúng, các thanh đồng, hầu dâng, các cung văn, đệ tử cùng những người có chung niềm tin vào quyền năng cũng như sự bảo trợ vô hình của các Mẫu, cao nhất là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Họ gắn bó với nhau và lập thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, nghi lễ chầu văn hầu đồng tại các đền, phủ, điện thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thực hành ở rất nhiều tỉnh, thành phố, trong đó Nam Định được coi là trung tâm của tín ngưỡng. Đây cũng là địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Theo số liệu kiểm kê bước đầu, Nam Định có tới hơn 600 di tích liên quan việc thờ cúng và các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên khắp địa bàn, tiêu biểu nhất là Quần thể Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) và Khu Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên). Đó là những nơi ghi dấu sự tích giáng sinh lần thứ nhất và lần thứ hai của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Thư, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên Ban Xây dựng hồ sơ "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" trình UNESCO, thờ Mẫu Tam phủ là tín ngưỡng thuần Việt, do cộng đồng người Việt sáng tạo, có quá trình hình thành phát triển lâu đời, bắt nguồn từ tục thờ nữ thần của cư dân nông nghiệp.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, phản ánh thái độ ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Tín ngưỡng coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ, lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn vinh, gửi gắm những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống. Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình, xã hội, có giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc.

Ông Nguyễn Văn Thư nhấn mạnh, cần nhận thức rõ, UNESCO không vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng mà là những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Việt Nam.

Giữ gìn, phát huy di sản

Giữ gìn, phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định ảnh 1

Trình diễn hát chầu văn tại Hội nghị-Hội thảo-Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tại Nam Định.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết, để bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt”trên địa bàn, ngành văn hóa tỉnh phối hợp Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tiến hành xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Đề án đã đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong đó tập trung vào các trung tâm thực hành sinh hoạt Tín ngưỡng thờ Mẫu là Quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), di tích phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên) và một số địa phương khác.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cũng phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) đối với Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy và các vùng phụ cận liên quan, trên tôn chỉ coi toàn bộ khu vực là môi trường bảo tồn và phát triển nối tiếp các giá trị lịch sử, văn hóa, cũng như cảnh quan sinh thái đặc sắc.

Nơi đây được xác định là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; khu vực bảo tồn quần thể di tích gắn với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của quốc gia và nhân loại; khu vực trọng điểm phát triển du lịch văn hóa-lễ hội-tâm linh, gắn với thưởng ngoạn thắng cảnh tiêu biểu của huyện Vụ Bản nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung.

Giữ gìn, phát huy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định ảnh 2

Phủ Tiên Hương thuộc Quần thể di tích Phủ Dầy, nơi diễn ra nhiều hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đặc sắc ở Nam Định.

Năm 2020, tỉnh Nam Định cũng thành lập Hội Bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” với sự tham gia của gần 300 hội viên. Từ đó đến nay, Hội đã có nhiều hoạt động hiệu quả trong việc quản lý, định hướng, bảo vệ, phát huy giá trị di sản; ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi; tích cực kết nối các nghệ nhân ưu tú, các thanh đồng có uy tín trên mọi miền tổ chức giao lưu, thực hành và truyền dạy bài bản về việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ngành văn hóa tỉnh Nam Định cùng Hội Bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã phối hợp các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình triển lãm, giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước, trong đó có các hoạt động đa dạng, đặc sắc tại sân vận động Thiên Trường dịp tổ chức SEA Games 31 ở Nam Định.

Cùng với các hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tham mưu làm tốt công tác vinh danh, khen thưởng, xét tặng các danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đối với các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã có một cá nhân được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 5 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Vừa qua, tỉnh Nam Định phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các chương trình hội nghị-hội thảo-thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia, nghệ nhân đã tập trung làm rõ những kết quả thực hiện Công ước của UNESCO của Việt Nam; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Nam Định và các địa phương trên cả nước; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của các nghệ nhân trong gìn giữ giá trị của di sản…

Từ đó, hội nghị đề ra các giải pháp, xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO giai đoạn 2023-2028.

Bên cạnh đó, chuỗi sự kiện tại Nam Định còn là dịp để tỉnh giới thiệu các giá trị tiêu biểu về mảnh đất, văn hóa và con người, quảng bá các giá trị về di sản văn hóa; phát triển du lịch, góp phần bảo vệ, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và tôn vinh các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.