Hội thảo công bố những nghiên cứu mới về Thánh Mẫu và những nơi thờ tự; ghi nhận những đóng góp của chính quyền, nhân dân, nhất là cộng đồng thực hành tín ngưỡng trong việc bảo tồn di sản sau 6 năm được tổ chức UNESCO vinh danh.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của gần 30 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan, đơn vị, viện, trường đại học ở trung ương và địa phương như Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Sử học,…
Tại hội thảo, các đại biểu, khách mời đã tập trung thảo luận về các nội dung như: Khẳng định thuyết “tam sinh, tam hóa”, cũng như không gian văn hóa ở những nơi Mẫu giáng sinh tại các tỉnh phía bắc, như: Nam Định, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Nội...; Nét độc đáo trong kiến trúc, điêu khắc của các di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh tại phủ Dầy; Vai trò của các nhà Nho trong quá trình văn bản hóa Thánh tích; Lễ hội phủ Dầy trước và sau công cuộc đổi mới đất nước; Những phân tích, tổng hợp về tình hình kinh tế-xã hội đã giúp chúng ta hiểu thêm về tên gọi của tín ngưỡng, tên đất, tên làng gắn với huyền thoại về Thánh Mẫu trong không gian văn hóa các tỉnh phía Bắc như: Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Lạng Sơn…; đồng thời lý giải một số từ ngữ để tránh hiểu nhầm về địa danh trong không gian thờ tự.
Một số thực hành nghi lễ hầu đồng tại Đền Kim Ngưu, phủ Tây Hồ trong khuôn khổ hội thảo. |
Bên cạnh đó, các tham luận tại hội thảo cũng tiếp tục khẳng định: Di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội, trong tâm tư, tình cảm cộng đồng. Qua đó đánh giá những thành tựu đạt được, những cơ hội, thách thức, mặt hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và đồng thời đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành, các địa phương có giải pháp phù hợp để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc một cách hiệu quả.