Dự liên hoan có các nghệ nhân, thanh đồng đạo quan, thủ nhang đồng đền, đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh về trình diễn các giá hầu đồng gắn với các nhân vật lịch sử và tôn vinh công lao của Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn, Đức Thánh Phi Bồng-Hiệu Thiên Thiên Đế đã có công âm phù hộ quốc, bảo trợ cho nhân dân được khang cường, mùa màng tươi tốt.
Trình diễn hát văn tại Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. |
Trong hồ sơ đề cử UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ghi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt có ở 22 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Hải Dương.
Cũng theo hồ sơ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình lên UNESCO về những trung tâm thờ Mẫu tam phủ tiêu biểu có di tích Đền Sinh-Đền Hóa ở xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh. Việc hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã trở thành niềm vui cho đất nước ta nói chung và cho các địa phương có di tích có tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ nói riêng, trong đó có niềm tự hào của người dân Chí Linh.
Một giá hầu đồng tại Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ. |
Di tích Đền Sinh-Đền Hóa là một di tích có từ lâu đời, nằm ở thôn An Môn, xã Lê Lợi. Di tích thờ Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên và Đức Thánh Mẫu Thạch Linh. Những vị thần, vị thánh này luôn phù hộ độ trì cho nhân dân sức khỏe, sinh sôi, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên người dân địa phương rất thành kính, trân trọng ra sức bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo di tích đến ngày nay.
Hàng trăm năm nay, việc thực hành tín ngưỡng ở Đền Sinh-Đền Hóa được nhân dân địa phương thực hiện theo đúng đặc trưng của tín ngưỡng này, đó là nghi thức hầu đồng, hát văn. Hằng năm, ngoài việc người dân và các thanh đồng thực hiện các giá hầu đồng và các cung văn hát phục vụ giá hầu thì vào dịp lễ hội, Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động về hát văn dưới các hình thức như: liên hoan diễn xướng hầu thánh, hát văn hầu thánh… Các hoạt động này thu hút nhiều thanh đồng, cung văn từ nhiều tỉnh, thành phố về dự, tạo cho không khí lễ hội thêm phần trang nghiêm.
Cũng vì việc thực hành tín ngưỡng để phụng thờ đức Thánh mà người dân An Mô còn truyền dạy cho nhau nghề hát văn để phục vụ cửa đền của quê hương. Hiện nay, làng An Mô có hàng trăm người dân biết hát văn, trong đó có hàng chục người làm nghề hát văn phục vụ các cửa đền, cửa phủ. Ngoài phục vụ cửa đền quê hương, cung văn nơi đây còn đi khắp các đền, cửa phủ trong và ngoài tỉnh để phục vụ các nghi thức hầu đồng, lễ thánh. Nghề hát văn đã trở thành một một nghề để giúp người dân mưu sinh. Nghề hát văn ở An Mô đang được các cấp chính quyền và ngành chức năng có kế hoạch xây dựng trở thành làng nghề để phát triển du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách thập phương.