Phát huy Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt

NDO - Ngày 17/11, tại thành phố Bắc Ninh, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Bắc Ninh”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu cắt băng khai mạc chuyên đề trưng bày.
Các đại biểu cắt băng khai mạc chuyên đề trưng bày.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, trưng bày tại bảo tàng được chia làm 3 chủ đề: Bắc Ninh-cái nôi của người Việt cổ và Tín ngưỡng thờ Mẫu, nhằm giới thiệu về Bắc Ninh-vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi của người Việt cổ và vùng đất cội nguồn tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với những ngôi đền, chùa cổ xưa nhất thờ các “Quốc Mẫu” hay “ Mẫu nghi thiên hạ” như đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, chùa thờ Phật Mẫu Man Nương, đền thờ Mẫu Thánh Gióng.

Chủ đề thứ 2 giới thiệu về những ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng linh thiêng ở Bắc Ninh như: đền Cùng-Giếng Ngọc; đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ; đền Bà Chúa Kho; đền Tam Phủ…, đồng thời giới thiệu về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của một số nghệ nhân tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh.

Chủ đề thứ 3 là công tác bảo tồn và phát huy di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt của tỉnh Bắc Ninh, giới thiệu sự kiện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016; những thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tỉnh Bắc Ninh.

 Phát huy Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt ảnh 1

Du khách tham quan phòng trưng bày.

Chuyên đề được trưng bày kéo dài từ nay đến hết tháng 3/2024, nhằm giới thiệu tới đông đảo nhân dân và du khách những giá trị cốt lõi, nét đặc trưng, tiêu biểu, độc đáo của di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tại tỉnh Bắc Ninh trong đời sống xã hội đương đại, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Trọng cho biết: Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là một tín ngưỡng bản địa lâu đời, lấy việc tôn thờ Mẫu làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ tục thờ nữ thần có nguồn gốc sâu xa từ thời “Mẫu hệ” khi loài người nhận thức rõ giá trị và vai trò quan trọng hàng đầu của người mẹ trong việc sinh thành và nuôi dưỡng, giáo dục con người. Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ mẫu là cái tâm hướng thiện.

Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh hiện có hơn 720 di tích thờ mẫu, trong đó có 598 điện, ban thờ Mẫu trong chùa; 84 ngôi đền, miếu của cộng đồng; 423 am, điện, ban… thờ Mẫu trong các tư gia.