Giới thiệu công nghệ giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt

NDO - Ngày 9/12, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp” với mục tiêu cung cấp khái quát một bức tranh toàn cảnh về thực trạng vấn đề chất thải rắn sinh hoạt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo cũng giới thiệu và chia sẻ các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã và đang áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, các tập đoàn, công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết: Chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành vấn đề nóng và ngày càng được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế đã làm cho lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, không chỉ ở các đô thị mà còn ở cả các khu vực nông thôn. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đặt ra những thách thức về quản lý chất thải và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đi cùng với sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt là kèm theo vấn đề tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp xử lý một cách phù hợp để vừa bảo đảm việc xử lý không gây ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng được rác thải như một nguồn tài nguyên. Đây là vấn đề rất được quan tâm không chỉ trong vùng đồng bằng sông Cửu long mà còn được rất nhiều địa phương quan tâm trong thời gian vừa qua.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ; thực hiện việc thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư; thẩm định và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia; các hoạt động liên quan sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào thực tế.

Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức đặt ra đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, bộ, ngành và địa phương cũng như các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân, nhà nghiên cứu để giải quyết được triệt để các các thách thức trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời hướng tới việc phát triển và ứng dụng thực tế những giải pháp công nghệ xử lý chất thải toàn diện nhất, phù hợp điều kiện Việt Nam, vì một tương lai phát triển bền vững, một môi trường lành mạnh cho chúng ta.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng: Trong bối cảnh mật độ phát triển dân cư tăng nhanh, quỹ đất ngày càng khan hiếm, vấn đề rác thải và xử lý rác thải đã trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội, nhất là khi cách thức xử lý truyền thống đã không thể tiếp tục thực hiện hiệu quả.

Thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, với mật độ các khu dân cư, cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ hình thành ngày càng nhiều đã kéo theo lượng chất thải, rác thải gia tăng nhanh chóng.

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, hàng ngày phát sinh khoảng 1.000 tấn rác thải. Rác thải phần lớn được thu gom về bãi rác tạm hoặc được chôn lấp và xử lý bằng chế phẩm sinh học, nhằm hạn chế mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy. Tuy nhiên, phương pháp xử lý cũ hiện không phát huy hiệu quả, ngày càng phát sinh ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Giới thiệu công nghệ giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt ảnh 1

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có giá trị thực tiễn cao, giúp xác định cơ bản những nguyên nhân, các nhóm vấn đề quan trọng từ đó đề xuất định hướng, xu hướng và công nghệ xử lý rác trong thời gian tới để áp dụng trên địa bàn tỉnh nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung mang lại hiệu quả cao nhất.