Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh xe rác chất đống đủ loại rác thải sinh hoạt ở tình trạng không che phủ bạt, bốc mùi hôi thối, tập kết hàng dài tại các điểm trong khu dân cư, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Điều này đang làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân chung quanh khu vực.
Đáng nói, theo quy định, những thùng thu gom rác phải được tập kết tại vị trí quy định, che phủ bạt để tránh phát tán ô nhiễm, sau khoảng hai tiếng sẽ được xe chuyên dụng đến chở đi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ những xe rác không được che phủ mà rác thải còn tràn lan ra khắp lòng đường, vỉa hè khiến người dân vô cùng bức xúc.
Theo phản ánh của các hộ dân dọc đường Xuân La (quận Tây Hồ), từ lâu nay, các hộ dân kinh doanh sát chợ tạm Xuân La phải sống trong mùi hôi thối của rác thải do điểm tập kết rác sinh hoạt ngay gần nhà. Mỗi khi rác tập kết chuyển lên xe, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bao trùm cả khu phố.
Ông Ngọc Ánh, chủ một hộ dân ở đây cho biết: “Mặc dù điểm tập kết rác nằm phía bên kia đường, đối diện với khu dân cư, nhưng do khoảng cách quá gần, trong khi đó, các thùng đựng rác chỉ vài cái có nắp đậy, còn lại là không có. Nước thải từ rác sinh hoạt rỉ xuống đường gây mất vệ sinh nghiêm trọng”. Không chỉ trên các tuyến phố lớn, mà ngay tại các con ngõ nhỏ trong khu dân cư, thực trạng trên cũng khá phổ biến.
Một số thùng thu gom rác thải, xe rác, những chân rác tự phát tồn tại nằm lộ thiên đang khiến người dân phải chịu cảnh ô nhiễm khi sống gần kề với những bãi rác không tên. Dọc tuyến đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) có rất nhiều đình làng, chùa với lối kiến trúc cổ kính. Lẽ ra đây có thể là những điểm thu hút khách du lịch, tuy nhiên, nhiều đình làng ở đây cũng đang bị rác bủa vây. “Mỗi khi xe rác tập kết thì không khí trở nên ô nhiễm nặng. Nước từ các xe rác chảy ra, đọng theo rãnh dưới lòng đường, những hôm trời nắng, mùi bốc lên rất khó chịu”, bà Mai Hoa, một người dân sinh sống lâu năm tại khu dân cư phường Thụy Khuê cho biết.
Không chỉ những điểm trung chuyển và tập kết rác, mà xe chở rác cũng đang là nguyên nhân gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Ở không ít tuyến phố, cứ vào khoảng năm, sáu giờ chiều là hàng chục xe chở rác chất đầy, nối đuôi nhau án ngữ dưới lòng đường.
Vào giờ cao điểm, khi có xe chở rác tới thu gom thì cả tuyến đường trở thành nơi tập trung của rác, việc lái xe qua đây trở nên khó khăn gấp nhiều lần. Đơn cử như đường Khâm Thiên vốn nhỏ, hẹp mà lượng xe cộ lưu thông rất đông vào giờ cao điểm, cho nên thường xuyên bị ùn tắc. Thế nhưng mới tầm 6-7 giờ tối, các xe thu gom rác đã dàn hàng chiếm tới 1/3 lòng đường. Nhiều người đi bộ phải đi vòng ra giữa đường để đi qua điểm tập kết rác. Điều này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Tương tự, trên đường Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy), lâu nay cũng trở thành điểm tập kết rác khiến người dân bức xúc. Ông Trần Vũ, trú tại phường Quan Hoa than thở: “Ngày nào tôi cũng phải đi làm về qua đoạn này. Đoạn đường chỉ dài chừng chục mét nhưng phải mất 10-15 phút mới qua được, nhất là vào giờ tan tầm. Cũng không ít lần có người bị ngã khi xe vượt nhau mà vướng phải xe rác”.
Liên quan vấn đề này, qua trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chúng tôi được biết, trong thời gian qua, công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cải thiện, tỷ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 90%.
Tuy nhiên, việc thu gom rác tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có tình trạng phương tiện thu gom chưa phù hợp với đổi mới công nghệ. Trên địa bàn 30 quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội có khoảng 1.000-1.500 điểm tập kết chờ cẩu rác và điểm tập kết trung chuyển rác (trung bình có 80 điểm cẩu/quận và có 25 điểm tập kết tạm thời/huyện). Do không có trạm trung chuyển, nên không tăng được số lượt thu gom, dẫn đến xe đi thu thập một lượt trong phố và vận chuyển lên khu xử lý xong mới quay về cẩu lần 2.
Vì vậy, các xe gom và thùng rác phải được tập kết chờ cẩu lâu. Mặt khác, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt hiện đang áp dụng theo Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 và Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND ngày 2/11/2018 của UBND thành phố Hà Nội cho nên tồn tại nhiều bất cập.
Hiện mức phí áp dụng đang cào bằng, với mức thu phí vệ sinh môi trường là 6.000 đồng/người/tháng ở phường và 3.000 đồng/người/tháng ở huyện, xã, thị trấn. Tại các khu vực huyện có diện tích rộng, ít dân, nhà thầu phải cân đối phí dịch vụ với thu rác ngõ xóm (mức thu không bảo đảm chi) dẫn đến tình trạng rác không được thu gom trong ngày. Các huyện đang mời chào dự thầu thực hiện thu theo tần suất đối với ngõ xóm (2 lần /tuần hoặc 3 lần/tuần).
Hiện nay, chủ yếu là kinh phí nhà nước chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Điều này không tuân thủ theo Luật Môi trường là “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cũng như tạo gánh nặng cho ngân sách công. Mức phí vệ sinh môi trường đang cào bằng thu theo đầu người mà không tính theo khối lượng, dẫn đến người dân không quan tâm, không giảm khối lượng. Trong khi đó, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đã được quy định cụ thể, tuy nhiên việc xử phạt tổ chức, cá nhân vứt rác bừa bãi nơi công cộng còn rất hạn chế, dẫn đến không có tính răn đe, không phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.
Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sẽ tăng từ 10-16%/năm. Lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Phương thức xử lý rác thải ở các khu xử lý hiện chủ yếu vẫn là chôn lấp, chưa ứng dụng công nghệ đốt rác, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng... do đó, khi diện tích dùng để chôn lấp bị thu hẹp, hạ tầng quá tải có thể dẫn đến phát sinh các sự cố; việc thu gom, xử lý rác bị gián đoạn, gây tồn đọng rác ngoài môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế, nâng cao năng lực quản lý về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cùng với việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển rác, trước mắt Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cần bảo đảm vệ sinh môi trường tối đa, giảm dần số lượng các điểm tập kết rác lộ thiên; không để xảy ra tình trạng thùng rác hư hỏng gây tràn rác, rò rỉ nước thải; thực hiện che chắn mỹ quan các điểm tập kết rác; thay các thùng chứa không đủ tiêu chuẩn, sửa chữa lỗ thủng, lắp thêm thùng chứa nước rỉ rác khắc phục tình trạng rỉ nước, bốc mùi hôi khi di chuyển trên đường phố.
Về phía chính quyền, cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, đặc biệt là phương tiện vận chuyển rác thải, bố trí thùng rác; tăng mức đầu tư từ ngân sách và huy động xã hội hóa để mua sắm xe ép rác thế hệ mới, có công nghệ ép rác hiện đại, bảo đảm rác không phát sinh mùi hôi, không có nước rỉ ra đường gây ô nhiễm; xây dựng một hệ thống thu gom rác thải có hiệu quả, phân loại rác thải từ nguồn, dù tốn kém; tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân những quy định về phân loại rác, lắp đặt camera giám sát để phạt nặng những người không tuân thủ quy định về tập kết rác bảo đảm vệ sinh môi trường.