Xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020, trong đó, môi trường là tiêu chí nổi trội. Để có được kết quả này, xã phát động và tổ chức thi đua xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở tất cả thôn; tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, khu dân cư chỉnh trang khuôn viên khang trang, đồng bộ, xây dựng cảnh quan môi trường theo tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Đặc biệt, xã triển khai đề án phân loại rác thải tại gia đình. Kết quả, hơn 97% hộ đã áp dụng và tổ chức phân loại theo quy định. Rác thải hữu cơ được xử lý làm thức ăn chăn nuôi và ủ thành phân bón. Rác tái chế như giấy báo, vỏ hộp sữa, vỏ chai… được gom bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Lượng rác còn lại được thu gom và vận chuyển về nhà máy xử lý rác.
Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đã giảm khoảng 50% lượng rác thải so trước đây, góp phần giảm áp lực cho tổ thu gom rác cũng như việc xử lý rác của địa phương.
Ông Phạm Xuân Ninh, xã Liêm Phong cho biết, trước đây, nhà ông vẫn có thói quen là bỏ tất cả các loại rác thải vào chung một thùng chứa rác. Sau khi được các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động, gia đình tôi nhận thức được việc phân loại rác thải là cần thiết và thực hiện cũng đơn giản, nên gia đình đã tích cực thực hiện và thấy việc phân loại rác không khó. Giờ đây, việc phân loại rác trở thành thói quen của tất cả thành viên trong gia đình.
Việc phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình đã được thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng triển khai đến từng tổ dân phố từ năm 2021. Công việc này đã dần trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân. Khi thực hiện, mỗi hộ dân được trang bị 2 thùng đựng rác hữu cơ và vô cơ. Đơn vị thu gom định kỳ 2-3 lần/tuần, vận chuyển rác đưa về bể trung chuyển, tập kết rác.
Tại các bãi chứa, rác thải chờ xử lý được phân thành 2 khu riêng biệt. Rác vô cơ được Công ty cổ phần Môi trường Hà Nam bốc xúc vào các ngày thứ tư và chủ nhật hằng tuần; rác hữu cơ thu gom tại mỗi hộ dân chuyển về bể chứa, được xử lý thành phân bón cho cây trồng. Đến nay, tỷ lệ gia đình đã thực hiện phân loại rác thải của Ba Sao đạt hơn 97%.
Bà Trần Thị Hồng, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam chia sẻ, bà luôn nhắc nhở con, cháu làm đúng quy định là từng loại rác vô cơ không phân hủy như nylon và các loại rác thải rắn thì phải bỏ riêng một thùng, còn các loại dễ phân hủy như thức ăn thừa, hoặc gốc rau các loại thì bỏ riêng ra một thùng.
Còn đối với ông Vũ Hồng Hà,Tổ trưởng dân phố số 4, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam cho biết, những ngày đầu, tổ dân phố giao cho các hội, đoàn thể đi kiểm tra thường xuyên tại các hộ gia đình, nếu hộ nào chưa thực hiện phân loại đúng cách, sẽ hướng dẫn trực tiếp, đến nay các hộ đã chấp hành nghiêm việc phân loại rác thải tại hộ gia đình.
Phân loại rác thải tại hộ gia đình ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. |
Cùng việc tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại và xử lý rác thải hữu cơ; các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ thùng chứa phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ, chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ; xây dựng bể xử lý hoặc bố trí điểm tập kết riêng rác thải hữu cơ sau phân loại… qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo thói quen phân loại rác thải tại gia đình.
Việc phân loại rác thải tại nguồn không chỉ góp phần tận dụng rác thải hữu cơ, rác tái chế mà còn góp phần tiết kiệm chi phí vận chuyển, xử lý rác. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa có cơ sở sản xuất, chế biến phân vi sinh từ rác thải, rác thải sau khi phân loại vẫn được xử lý bằng phương pháp đốt tại các nhà máy xử lý.
Mặt khác, việc thu gom, vận chuyển, xử lý sau phân loại vẫn chưa đồng bộ. Đây là những thách thức trong việc phân loại xử lý rác thải đối với tỉnh.
Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đề nghị, các địa phương, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà và triển khai xây dựng các mô hình điểm về phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình; quy hoạch các điểm tập kết rác, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng hộ dân, bảo đảm vệ sinh môi trường theo đúng quy định; đồng thời, cần nghiên cứu và tận dụng có hiệu quả các chế phẩm sau xử lý từ nguồn rác hữu cơ.
Cùng với đó, đồng chí cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình từ phân loại đến thu gom, vận chuyển và cuối cùng là xử lý rác thải; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hình thức, mức xử phạt theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cộng đồng về phân loại rác thải tại nguồn; qua đó, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng đô thị văn minh.