Còn bất cập trong phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn

Với mong muốn bảo vệ môi trường, hình thành thói quen sống xanh trong cộng đồng, những năm qua, thành phố Hà Nội chú trọng về cách phân loại, quản lý rác thải tại nguồn và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để mục tiêu phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đi vào cuộc sống thiết thực, cần hơn nữa những giải pháp hiệu quả, đồng bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường tiểu học Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tham gia thực hành cách phân loại rác thải tại nguồn. (Ảnh BÍCH CHÂM)
Học sinh Trường tiểu học Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tham gia thực hành cách phân loại rác thải tại nguồn. (Ảnh BÍCH CHÂM)

Từ năm 2015 đến nay, Hà Nội đã trải qua hàng chục lần “ngập” trong rác thải sinh hoạt do các khu rác thải lớn nhất của thành phố là khu Nam Sơn và Xuân Sơn lần lượt bị quá tải. Trong khi đó, việc mở rộng các bãi rác cũng bị tắc vì những bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau mỗi lần như vậy, thành phố lại chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chính quyền quận, huyện tìm cách tháo gỡ, song tình trạng ùn ứ rác thải vẫn cứ lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác, khiến cả người dân và chính quyền đều khổ sở.

Theo các chuyên gia, với đà hiện nay, mỗi năm, số rác thải của thành phố Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Thực tế trên cho thấy lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác thì dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ðược biết, thành phố Hà Nội đã thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn từ nhiều năm trước, đồng thời, đưa khái niệm mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học và nhân rộng mô hình sang nhiều khu vực trên địa bàn các quận, huyện. Các chiến dịch phát động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã nhận được sự hưởng ứng của chính quyền, đơn vị thu gom, cộng đồng dân cư.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðông Anh, công tác triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn huyện được thực hiện quyết liệt từ đầu năm 2021, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai tập huấn, huyện đã tập trung phân loại rác tại nguồn, triển khai xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và cụm dân cư bằng chế phẩm sinh học thí điểm tại ba xã Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng.

Tại xã Liên Hà đã cho xây dựng mô hình xử lý rác thải tập trung quy mô thôn, xóm bằng nguồn xã hội hóa. Cùng với đó, nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng đã được xây dựng và triển khai như: “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Ðổi phế liệu lấy cây xanh”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, “Thùng rác thân thiện”, “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”…

Các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường của các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội đã góp phần quan trọng trong việc dần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tích cực, nếp sống văn minh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy đạt được kết quả đáng ghi nhận, song theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), hiện nay công tác thu gom, phân loại rác thải tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ðó là việc chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất, chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom vận chuyển rác.

Một vấn đề nữa là kinh phí bố trí cho hoạt động môi trường còn khó khăn; chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong công tác thu gom chuyển đổi rác. Mặt khác, công tác phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít chương trình phân loại rác tại nguồn, dự án xử lý rác thải được triển khai, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại lặng lẽ chìm dần.

Bà Trần Thu An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, đoàn thanh niên trong xóm cũng đã tới khảo sát việc phân loại rác tại các hộ gia đình nhưng vẫn chưa có thông báo mới. Việc phân loại rác không có gì thay đổi dù chính bà cũng hạn chế sử dụng ni-lông, nhựa một lần. “Thường ngày, tôi hay mang hộp ở nhà đi mua đồ. Chỉ có rác rau củ, vỏ hoa quả là cho vào túi ni-lông bỏ ra chỗ thùng rác công cộng. Nhưng nhiều người theo thói quen từ xưa tới nay vẫn vứt chung tất cả đồ đi chợ, túi ni-lông mà không phân loại”, bà Hương cho biết.

Khảo sát tại các khu chung cư ở đô thị cũng cho thấy tình trạng tương tự. Người dân vẫn bỏ chung các loại rác vào một thùng đựng duy nhất, kể cả những nơi có sẵn thùng rác phân loại. Chị Thu Hoàn sống tại khu chung cư trên đường Nguyễn Trãi cho biết: “Các gia đình để vào túi đựng rác, buộc chặt vứt chung luôn chứ không phân loại rác hữu cơ, vô cơ. Ðáng lẽ phải thiết kế ba loại thùng rác tại các tầng, nhưng chắc do tốn kém, cho nên các nhà thầu không làm”.

Thực tế cho thấy, phân loại rác để có hướng xử lý phù hợp là việc làm tuy nhỏ, nhưng mang nhiều ý nghĩa cho tương lai, nhất là trong điều kiện lượng rác thải sinh hoạt đang ngày càng gia tăng và vấn đề xử lý rác thải vẫn đang là bài toán khó, chưa có lời giải. Ðể làm được điều này, theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hình thành thói quen, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chính quyền thành phố cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, triển khai một cách đồng bộ nhiều giải pháp về việc phân loại rác thải. Cùng với đó, Hà Nội cần chủ động nâng cấp, đầu tư đồng bộ về hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

“Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm rác thải phát sinh tại nguồn. Song, để đưa luật vào cuộc sống hiệu quả thì giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc phân loại rác tại hộ gia đình; huy động các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Nhất là nâng cao vai trò của các công ty thu gom rác trong giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác tại nguồn”.

GS, TS ÐẶNG KIM CHI

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

“Hiện nay, việc thí điểm phân loại rác tại nguồn đã từng bước đem lại kết quả nhưng hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác. Mặt khác, cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực thu gom xử lý chất thải sau phân loại trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phù hợp với đổi mới công nghệ; thiếu các trạm trung chuyển tái chế, phân loại và xử lý rác”.

Ông NGUYỄN THANH SƠN

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội