Trong suốt hải trình chín ngày đặc biệt ấy, mỗi ngày, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đều viết nhật ký theo giọng trần thuật. Chị viết cho chính mình đọc lại và dưỡng nuôi cảm xúc với những kỷ niệm rất khó có được trong đời. Trở về đất liền, những trang nhật ký đó trở thành chất liệu văn học cho truyện dài “Cà Nóng chu du Trường Sa” (Nhà xuất bản Kim Ðồng, năm 2021) và mới đây nhất là bộ sách tranh “Trường Sa! Biển ấy là của mình” (Lionbooks và Nhà xuất bản Hà Nội). “Cà Nóng chu du Trường Sa” dành cho đối tượng bạn đọc từ 11 tuổi trở lên, còn bộ sách tranh “Trường Sa! Biển ấy là của mình” (với hai tập “Phong Ba nơi đầu sóng” và “Biển ấy là của mình”) hướng đến nhóm độc giả dưới 10 tuổi.
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên nói, như vậy là đủ trọn vẹn với những ấp ủ lâu nay của chị khi viết về biển, đảo cho thiếu nhi. “Trước khi bắt đầu chuyến công tác ý nghĩa, tôi đã tìm đọc các tác phẩm về Trường Sa cũng như tìm hiểu thêm thông tin về nơi đầu sóng qua báo chí. Thấy gì hay, tôi đều lưu lại trong kho tư liệu của mình. Nhiều người thường hỏi viết về chủ đề biển, đảo cho trẻ con có khó không, tôi nghĩ không quá khó khi đẫm đầy trong lòng mình đã là chất liệu, cảm xúc và cả trải nghiệm quý giá ở Trường Sa. Khi viết “Cà Nóng chu du Trường Sa”, lúc nào tôi cũng đặt tâm thế là một đứa trẻ và luôn hỏi “Liệu các bé có thích đọc không? Người lớn đọc có thuyết phục không?”. Tôi cân bằng giữa hai đối tượng và tự thẩm định tác phẩm của mình rất nhiều lần trong suốt quá trình sáng tác”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ.
Cà Nóng là cách gọi vui của Canon - tên một loại máy ảnh. Chiếc máy ảnh đó trở thành vật bất ly thân, giúp nhà văn bắt trọn nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong hành trình lênh đênh sóng nước đến thăm biển, đảo quê hương. Ðối với người cầm bút, mỗi chuyến đi rất quan trọng, nên khi may mắn được đến Trường Sa, chị luôn cố gắng thu nhặt chất liệu, nhìn ngắm mọi điều, gặp gỡ và lắng nghe những câu chuyện nhiều nhất có thể.
Chuyến đi kết thúc vào tháng 4/2019, một năm sau, chị hoàn thành tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tiên viết về biển, đảo. Vì viết cho bạn đọc nhỏ tuổi nên các chi tiết luôn được nhà văn Bùi Tiểu Quyên cân nhắc thể hiện súc tích, mềm mại, không giáo điều, khô khan, nhàm chán. Ðiều người đọc dễ nhận thấy nhất chính là cảm xúc của nhà văn trong từng câu chuyện kể. Mọi thứ được đặt vào lăng kính của sự yêu thương, quý mến.
Trong “Cà Nóng chu du Trường Sa”, các chi tiết dù là hài hước hay lồng ghép khéo léo tinh thần yêu biển, đảo đều được kể rất tự nhiên qua góc nhìn của một chiếc máy ảnh. Nhà văn cho biết, chị quyết định cắt bỏ một chương sách vì thấy chưa thuyết phục. Mọi thứ cứ vậy được chắt lọc thật kỹ trước khi cuốn sách đến tay bạn đọc.
Phát hành không lâu, “Cà Nóng chu du Trường Sa” nhận về nhiều giải thưởng uy tín. Ðây cũng là lúc Bùi Tiểu Quyên đón nhận cơ duyên cho bộ sách mới cùng chủ đề. Ở bộ sách tranh “Trường Sa! Biển ấy là của mình”, tác giả chọn nhân vật là chú chó nhỏ mang tên Phong Ba sống ở đảo Sinh Tồn. Khác với Cà Nóng - một người bạn từ đất liền lần đầu đến thăm Trường Sa, được chu du khắp nơi, gom nhặt những câu chuyện giàu cảm xúc - góc nhìn của Phong Ba hẹp hơn nhưng cũng đủ để truyền tải trái tim ấm áp thương yêu cùng bao câu chuyện thú vị trên đảo.
Phong Ba có điểm nhìn từ đảo Sinh Tồn nhìn ra thế giới chung quanh, nhìn về Trường Sa rồi đất liền với những ước mơ đậm chất trẻ thơ. Mỗi nhân vật, tình tiết trong sách là từng mảnh ghép tạo nên bức tranh chân thật về biển, đảo. Nhiều chi tiết xúc động như ba hồi còi chào bến cảng, chào đất liền hay khoảnh khắc các chiến sĩ, người dân và các em thiếu nhi trên đảo Trường Sa Lớn chia tay khách vào chiều cuối hải trình. Sau khi hát chia tay để chuẩn bị nhổ neo về đất liền, mọi người trên tàu đồng loạt hô vang “Tổ quốc yêu Trường Sa”. Bên dưới cầu cảng, các chiến sĩ, người dân và các em nhỏ đồng lòng đáp “Trường Sa vì Tổ quốc”. Lúc đó, ai cũng rưng rưng.
Ðược đến thăm, trải nghiệm rồi kể lại cho bạn đọc nghe về con người, biển cả, những loài vật, điều kiện sống, các loài cây sinh trưởng trên quần đảo Trường Sa hay những chú chó nhỏ ở đảo Sinh Tồn… với nhà văn Bùi Tiểu Quyên, đó là trải nghiệm quý giá trong cuộc đời cầm bút. Vậy nên, trong từng con chữ xuất hiện trên trang sách, chị luôn gửi gắm vào đó một tình yêu bền chặt, sâu sắc với biển, đảo quê hương. Thông qua câu chuyện của các nhân vật đáng yêu trong sách, chị muốn lưu lại những kỷ niệm bản thân may mắn có được và phần nào giúp ai đó chưa đến Trường Sa, đặc biệt là các em nhỏ hiểu hơn về nơi đầu sóng.
“Tôi biết, tình yêu ấy không thể đến trong một sớm một chiều mà từ từ thấm nhuần qua tâm hồn người đọc, nhất là với trẻ thơ. Những trang viết không truyền đạt điều gì quá lớn lao, ban đầu là những câu chuyện kể để mọi người hiểu về điều kiện sống, những khó khăn, cố gắng của chiến sĩ, nhân dân nơi đảo xa. Tôi cố gắng lồng ghép vào những thông tin về lịch sử gìn giữ chủ quyền cột mốc của biển, đảo mình. Từ đó, ngày qua ngày, tình yêu tự thân xuất hiện trong mỗi người. Tôi hạnh phúc vì những trang chữ và tình yêu mình trao gửi vào tác phẩm đã đến với người đọc và nhận được quá nhiều yêu thương từ tất cả mọi người”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên bày tỏ.