Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh với 20 công ty thành viên, ngành nghề sản xuất thuốc lá chiếm tỷ trọng từ 65% đến 70% tổng doanh thu. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ cổ phần hóa CNS và hai công ty thành viên. Tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ sau khi cổ phần hóa là từ 50% đến 65%.
Tuy nhiên, đến nay, tiến độ cổ phần hóa tại đơn vị này diễn ra chậm, còn nhiều tồn đọng và phải chờ các hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Tiến độ cổ phần hóa của CNS là điển hình cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị đình trệ do phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp phải chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.
Đến ngày 12/5/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Vì vậy, UBND thành phố Hồ Chí Minh không thể ban hành quyết định cổ phần hóa đối với 38 doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến ách tắc các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc thành phố như: Chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; phê duyệt dự toán chi phí cổ phần hóa (trong đó có chi phí thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp); tổ chức đấu thầu và quyết định chọn đơn vị tư vấn định giá, tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu...
Cũng theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các quy định pháp luật về đất đai và cổ phần hóa lại không có quy định về trình tự, thủ tục, biểu mẫu và cơ quan thẩm định trình phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp cổ phần hóa cho nên chưa có cơ sở thực hiện.
Đồng thời, việc lập phương án sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Một nguyên nhân khác được UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn thực hiện quyết toán chuyển thể của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2013-2015 và trước đó. Đây cũng là giai đoạn có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra... chỉ ra nhiều sai sót, sai phạm trong quá trình tổ chức, thực hiện cổ phần hóa.
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố tham mưu UBND thành phố tháo gỡ các vướng mắc, khẩn trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo kế hoạch, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, thành phố cũng đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra, từ đó phát hiện nhiều địa chỉ nhà đất sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, không đúng chủ trương của UBND thành phố phê duyệt.
Điển hình, thanh tra đối với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn phát hiện, xử lý sai phạm trong sử dụng 3,75ha đất công đầu tư dự án khu nhà ở Phước Long B (nay thuộc thành phố Thủ Đức). Cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử vụ án từ kết quả thanh tra; thu hồi các khu đất 76 Hai Bà Trưng (thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn), khu đất hơn 150ha nông trường dừa (Tổng công ty Du lịch Sài Gòn)… Tuy nhiên, để có cơ sở pháp lý chặt chẽ trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định và trình phê duyệt phương án sử dụng đất.
Để tránh tâm lý e ngại, đùn đẩy trách nhiệm đối với các thành viên trong Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cần có quy định tăng cường trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan trong quá trình thực hiện nghiệp vụ xác định giá trị doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình định giá của tổ chức tư vấn và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.