Giảm giá hàng hóa, kích thích tiêu dùng

Tại nhiều chợ truyền thống, siêu thị… từ sau Tết Nguyên đán năm 2023 đến nay, sức mua chậm lại ở hầu hết các ngành hàng. Các đơn vị kinh doanh, phân phối đang không ngừng tìm giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều siêu thị giảm giá hàng hóa để kích cầu mua sắm.
Nhiều siêu thị giảm giá hàng hóa để kích cầu mua sắm.

Ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh như chợ Nguyễn Văn Trỗi (Quận 3), chợ Tân Hưng, chợ Bàu Cát (quận Tân Bình), chợ Bình Tây, chợ Hòa Bình (Quận 5) … tình cảnh vắng khách, người bán nhiều hơn người mua diễn ra ở các quầy hàng.

Tại khu vực kinh doanh quần áo ở chợ Hòa Hưng (Quận 10), bà Lê Thị Niệm (66 tuổi) vừa sắp xếp lại hàng hóa, vừa mỏi mắt ngóng chờ khách mua. Lựa những bộ quần áo đẹp nhất treo ra ngoài để chờ đón khách, bà Niệm cho biết: “Cả chục năm buôn bán ở chợ, chưa bao giờ tình cảnh ảm đạm như lúc này. Trước đây khách đông lắm, khách đông từ sáng đến tối nhưng giờ vắng hoe.

Mình lớn tuổi rồi, không thể làm nghề gì khác nên cố gắng bám trụ”. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), ngay trong giờ cao điểm sáng nhưng nhiều quầy hàng từ thịt cá, rau củ đến vải vóc… đều thưa thớt khách mua sắm. “Trước đây, cả ngày tôi bán cả trăm ký thịt heo nhưng giờ chỉ lấy 30kg thịt, vậy mà bán từ sáng đến chiều cũng không hết. Sức mua quá yếu vì người dân thắt chặt chi tiêu, đời sống khó khăn nên họ giảm mua thịt.

Chúng tôi lấy ít thịt lại, chỉ khi có khách đặt trước thì mình mới lấy, còn dư số lượng ít để dành bán lẻ nhưng cũng không ai mua” - bà Dương Mai (sạp 574) có hơn 30 năm bán thịt ở chợ Bà Chiểu tâm sự. Tại nhiều siêu thị lớn, dù vào cuối tuần nhưng lượng khách đến chợ cũng khá thưa thớt. “Ngay cả quầy hàng thực phẩm tươi sống, lượng khách cũng không tấp nập như trước.

Khách đến cũng chỉ mua số lượng vừa đủ chứ không mua nhiều. Chúng tôi cố gắng đưa vào siêu thị những thực phẩm ngon nhất, giá cả phải chăng để hút khách, tuy nhiên, lượng hàng tiêu thụ vẫn chưa như kỳ vọng” - chị Hương, nhân viên siêu thị tại quận Bình Tân nói.

Để tăng mãi lực, nhiều chợ truyền thống đã áp dụng nhiều giải pháp khá hiệu quả. Chia sẻ cách làm hay, Tổ trưởng văn phòng Ban quản lý chợ Tân Định Hoàng Văn Đạt cho biết: Chợ có 1.013 sạp với 895 hộ kinh doanh. Mãi lực chợ truyền thống giảm khoảng 20% so với tháng trước.

Chợ có nhiều tiểu thương đẩy mạnh bán hàng trực tuyến nên khách đến chợ ít hơn. “Với mong muốn đẩy mạnh kinh doanh, chúng tôi đang tập trung phát triển những ngành hàng thế mạnh của chợ như vải vóc, quần áo, giày dép… để thay thế những mặt hàng không còn phù hợp với xu hướng hiện tại. Tiểu thương ngành hàng vải luôn có những loại vải mới, độc lạ, hàng phiên bản giới hạn với chất lượng miễn chê, giá cả phải chăng…

Nhờ đó khách ủng hộ nhiều, bán buôn khởi sắc. Chợ Tân Định còn có kiến trúc đẹp, hiện Ban quản lý đang có một số dự án ẩm thực đêm tại đây. Chợ sẽ nhắc nhở thương nhân trang hoàng quầy hàng đẹp, thông thoáng, thu hút khách tham quan” - ông Đạt nói.

Lần đầu tiên, chợ Hòa Hưng triển khai tháng khuyến mãi trong tháng 3/2023 vừa qua và cách làm này đã giúp khách hàng đến chợ nhiều hơn. Trưởng Ban quản lý chợ Hòa Hưng Phạm Thị Sành chia sẻ: “Tháng khuyến mãi vừa qua, chợ đã giảm giá từ 10-30% với mặt hàng quần áo, thực phẩm, chạp phô, thịt cá… Chúng tôi còn tặng 500 giỏ nhựa cho khách đến mua hàng. Nhờ đó, sức mua tăng lên đáng kể, ai cũng phấn khởi.

Sắp tới chợ sẽ tiếp tục tổ chức khuyến mãi vào tháng 6 và cuối năm để khuyến khích khách đến mua sắm”. Ngoài ra, chợ Hòa Hưng cũng dự kiến sẽ nâng cấp chợ văn minh thương nghiệp sạch sẽ, thông thoáng, tạo ấn tượng với khách hàng. Trong khi đó, các siêu thị cũng triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá, không tăng giá nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng.

Phó phòng Kinh doanh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), ông Hoàng Hải cho hay: Nhiều mặt hàng tại siêu thị đang giảm giá 5-10% so với thị trường nhằm thu hút người tiêu dùng. Để kích cầu mua sắm, Saigon Co.op cũng gia tăng các chương trình khuyến mãi với hàng nghìn sản phẩm giảm giá. Siêu thị và các nhà cung cấp cũng đưa ra những cam kết qua lại để thúc đẩy tiêu dùng.

Đơn vị này cũng sẽ triển khai các tuần lễ mua sắm tại 42 tỉnh, thành phố. Đại diện hệ thống bán lẻ Satra cũng cam kết, giảm giá 20-25% các mặt hàng bình ổn như thịt heo, thịt gà... Đối với các sản phẩm không phải mặt hàng bình ổn giá thì mức giảm có thể lên đến 40%.

Mới đây, Sở Tài chính thành phố cũng quyết định giảm giá, giữ giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường. Cụ thể, giữ nguyên giá thịt gia cầm như năm 2022 dù mặt hàng này đang tăng giá cao, trong đó, gà ta có giá 90.000 đồng/kg, gà thả vườn 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp nguyên con 45.000 đồng/kg, thịt vịt 68.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 đồng/kg...; giảm giá dầu ăn Cooking xuống 11% so với năm 2022; giảm giá thịt heo từ 1.500-14.000 đồng/kg.

Theo đó, thịt đùi 108.000 đồng/kg, thịt vai 122.000 đồng/kg, thịt cốt lết 126.000 đồng/kg, chân giò 118.000 đồng/kg, thịt nạc 153.000 đồng/kg... Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: Để khuyến mãi kích cầu năm 2023, Sở sẽ đẩy mạnh làm việc với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu để tạo ra các sản phẩm khuyến mãi thực chất; thúc đẩy khuyến mãi nhóm doanh nghiệp; phát triển các chương trình khuyến mãi theo nhóm như hàng không…

“Để cải thiện sức mua các nhà kinh doanh phải tìm cách cắt giảm chi phí, có những biện pháp giữ giá ổn định. Về phía cơ quan quản lý, Sở sẽ triển khai những giải pháp như hỗ trợ tiết giảm chi phí logistics và kết nối cung-cầu hàng hóa với các địa phương, để bảo đảm mảng bán lẻ của thành phố sẽ được trợ lực tốt”, ông Vũ khẳng định.