Giải pháp cho rác thải nhựa dùng một lần

Cuối tuần vừa rồi, hàng xóm cạnh nhà tôi tổ chức buổi liên hoan. Mấy người ra chợ mua sắm, lần nào về cũng tay xách nách mang rất nhiều đồ được đựng trong các túi nilon. Túi nhỏ đựng trong túi to, trong mỗi túi nhỏ, mỗi loại đồ ăn lại đựng riêng thêm một túi khác. Riêng đồ tươi sống, người bán còn bỏ trong hai đến ba túi. Tôi nhẩm tính, chỉ khoảng 5-7 món đồ ăn nhưng đã có tới gần 20 cái túi nilon để đựng. Trong những lần đi chợ hôm đó, ngót nghét cũng đến hơn 60 túi nilon sử dụng một lần mà người mua đã mang từ chợ về nhà, sau đó đi thẳng ra thùng rác mà không được tái sử dụng thêm bất cứ lần nào.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn các em nhỏ cách làm đồ chơi từ tận dụng chai nhựa dùng một lần.
Hướng dẫn các em nhỏ cách làm đồ chơi từ tận dụng chai nhựa dùng một lần.

Đây là thí dụ của một gia đình. Nếu tính ra quy mô khu phố, ra phường, quận và lớn hơn như Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 12 triệu dân, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa một lần như: ly, hộp xốp, túi nilon, muỗng, dĩa thì con số đó thật khủng khiếp.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày, lượng nhựa và nilon thải ra môi trường khoảng 80 tấn. Trong đó, cứ 4.000-5.000 tấn rác thải mỗi ngày có tới 7%-8% là rác thải nhựa, nilon. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu-0,73 triệu tấn thải ra biển (chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới). Rác thải nhựa rất khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Để các sản phẩm này phân hủy trong môi trường thường mất hàng trăm năm. Chai nhựa phân hủy sau 450 năm-1.000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm-500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm...

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Khi đốt rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,... Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Rác thải nhựa cũng là một trong nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ô nhiễm tại các điểm du lịch.

Hiện nay, việc thu hồi và tái chế bao bì nhựa chưa được thực hiện hiệu quả. Tình trạng bỏ bừa bãi rác thải nhựa vẫn diễn ra hằng ngày. Điều này là thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý môi trường. Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện các giải pháp giảm thiểu việc tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sống thân thiện với môi trường, đồng thời đẩy mạnh việc tổ chức phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn. Công tác thu gom, phân loại rác thải nhựa cũng gặp không ít khó khăn.

Từ thực trạng này, việc hạn chế rác thải nhựa dùng một lần cần được triển khai quyết liệt hơn nữa. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể nhằm phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa theo mô hình “Tiết giảm-tái sử dụng-tái chế”.

Thành phố cần có nhiều chính sách hiệu quả hơn để khuyến khích, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thu gom, tái chế. Tại các chợ truyền thống, điểm bán hàng, ngoài việc tuyên truyền cần phải có chỗ bán các sản phẩm túi thân thiện với môi trường. Việc thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như đối với doanh nghiệp sản xuất túi nilon khó phân hủy cần được thực hiện hiệu quả để đánh vào ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.