Với những diễn biến tích cực trong quan hệ giữa các nước trong khu vực, người dân và các quốc gia ở Trung Đông đứng trước cơ hội tăng cường hợp tác nhằm đạt được sự phát triển, ổn định và an ninh.
Phát biểu nêu trên được Bộ trưởng Ngoại giao Iran đưa ra khi ông đề cập đến thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia, đồng thời cho rằng điều này sẽ tác động tích cực đến hai nước cũng như toàn khu vực.
Việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực cũng được phản ánh trong quyết định của Iran và Saudi Arabia về việc mở lại cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi nước cũng như kế hoạch tổ chức các chuyến thăm ngoại giao lẫn nhau giữa hai bên.
Ông Abdollahian nhấn mạnh, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi chủ trương đặt sự cởi mở và hợp tác với các nước láng giềng là ưu tiên chính sách đối ngoại của mình.
Trong khi đó, đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có chuyến thăm hai ngày tới Syria. Ông Raisi là Tổng thống Iran đầu tiên tới thăm Syria kể từ khi xung đột bùng phát tại quốc gia này 12 năm trước.
Nhà lãnh đạo Iran mô tả chuyến thăm là bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai nước, diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia trong khu vực nối lại quan hệ với Syria.
Hai Tổng thống Iran và Syria đã thảo luận về các cách thức tăng cường quan hệ song phương, nhất trí đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hiện có trong quá trình tái thiết Syria. Chứng kiến việc ký kết 15 văn kiện hợp tác, hai nhà lãnh đạo bày tỏ sẵn sàng thực thi mọi biện pháp để phát triển quan hệ kinh tế-thương mại song phương, theo đó cho phép Iran và Syria mở ra một chương mới trong quan hệ kinh tế.
Hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn, trong đó có biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực dầu mỏ. Phía Iran cho biết, những trở ngại đối với nỗ lực gia tăng sự hiện diện của các công ty xuất khẩu Iran tại Syria sẽ sớm được loại bỏ và các công ty xuất khẩu Iran được tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động tại Syria.
Việc tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria cũng đứng trước cơ hội mới sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao của Liên đoàn Arab (AL) thông qua quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria. AL nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng, bao gồm đại diện của Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Liban và Tổng Thư ký AL, nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Theo Tổng Thư ký AL Ahmed Abul-Gheit, tổ chức này đã thống nhất về cách tiếp cận nhằm giải quyết dần dần cuộc khủng hoảng Syria, trong đó ủy ban mới thành lập sẽ theo dõi các bước được thực hiện theo hướng này và liên lạc với Chính phủ Syria cũng như các bên liên quan và cộng đồng quốc tế về vấn đề này. AL hoan nghênh sự trở lại của Chính phủ Syria, sau khi tư cách thành viên của nước này bị đình chỉ kể từ tháng 11/2011.
Quyết định đưa Syria trở lại với gia đình khối Arab đồng nghĩa các quốc gia Arab sẽ liên lạc với Damascus lần đầu tiên sau nhiều năm để thảo luận về vấn đề cấp bách của Syria. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký AL, quyết định này không đồng nghĩa với việc khôi phục quan hệ bình thường giữa Syria và các quốc gia Arab, vì việc thiết lập quan hệ vẫn là quyết định có chủ quyền của từng quốc gia.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hy vọng, việc AL quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria có thể thúc đẩy tiến trình giải quyết cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 13 ở quốc gia Trung Đông. Tổng Thư ký Guterres khẳng định, các nước trong khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột nổ ra từ năm 2011.
Thống kê cho thấy cuộc xung đột đã khiến gần 500.000 người thiệt mạng và hơn 10 triệu người, chiếm khoảng 50% số dân Syria, phải chạy tị nạn. Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Peterson sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan nhằm thúc đẩy giải pháp chấm dứt xung đột ở quốc gia Trung Đông này.