Tín hiệu tích cực vì hòa bình và ổn định

Trong cuộc gặp tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, các Bộ trưởng Ngoại giao Iran và Saudi Arabia cam kết hợp tác để mang lại an ninh và ổn định cho khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian gặp Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/4/2023. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Iran/WANA/Reuters)
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian gặp Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/4/2023. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Iran/WANA/Reuters)

Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên trong hơn bảy năm qua giữa các quan chức ngoại giao cấp cao hai nước, diễn ra sau khi Iran và Saudi Arabia đạt thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ song phương.

Sự kiện này cũng đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Iran với các nước Arab ở vùng Vịnh.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, hai nước cam kết tiếp tục phối hợp để cải thiện quan hệ song phương.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, hai nước cam kết tiếp tục phối hợp để cải thiện quan hệ song phương.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện Thỏa thuận Bắc Kinh, theo cách thức mở rộng lòng tin lẫn nhau cùng các lĩnh vực hợp tác, đồng thời giúp tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia tồn tại từ lâu. Saudi cắt đứt quan hệ với Iran vào năm 2016, sau khi xảy ra vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại nước này, liên quan việc Riyadh tử hình Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr. Tuy nhiên, gần đây cả hai bên đã có nhiều nỗ lực hơn trong việc làm tan băng trong quan hệ.

Hồi tháng 3, Tehran và Riyadh đã công bố một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian nhằm khôi phục quan hệ.

Theo đó, hai nước sẽ mở lại các đại sứ quán và cơ quan đại diện tại địa bàn của nhau trong vòng hai tháng, đồng thời thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh đã ký hơn 20 năm trước.

Iran và Saudi Arabia cũng lên kế hoạch mở một văn phòng thương mại chung để khai thác tiềm năng hợp tác lớn trong lĩnh vực dầu khí, hóa dầu và công nghệ. Iran còn có kế hoạch trao đổi các phái đoàn kinh doanh với Saudi Arabia, ngay sau khi hai bên mở lại các đại sứ quán cũng như bổ nhiệm đại sứ mới.

Quyết định bình thường hóa quan hệ của Iran và Saudi Arabia, hai quốc gia từng là đối thủ của nhau trong một số vấn đề khu vực, có tác động tích cực đến tình hình chính trị ở Trung Đông.

Saudi Arabia nhất trí hỗ trợ có điều kiện cho thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Sự hỗ trợ của Riyadh được hy vọng giúp hồi sinh thỏa thuận bị đình trệ kéo dài này.

Quyết định bình thường hóa quan hệ của Iran và Saudi Arabia, hai quốc gia từng là đối thủ của nhau trong một số vấn đề khu vực, có tác động tích cực đến tình hình chính trị ở Trung Đông.

Một cam kết khác trong thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran được đánh giá sẽ giúp giảm căng thẳng khu vực, đó là việc Iran cam kết tôn trọng các lợi ích của Saudi Arabia trong khu vực và hỗ trợ các kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột tại Yemen.

Iran và Saudi Arabia cũng nhất trí hợp tác giải quyết xung đột đang tàn phá Syria. Ngoài ra, hai nước cam kết hợp tác và tôn trọng những lợi ích chung với tư cách là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng như bảo đảm an ninh hàng hải và an toàn cho các tàu chở dầu ở vùng Vịnh, tuyến vận tải chiến lược về năng lượng.

Những diễn biến tích cực trong quan hệ giữa Iran với Saudi Arabia là động lực để quốc gia Hồi giáo tiếp tục xúc tiến các bước cải thiện quan hệ với các nước Arab khác trong khu vực. Iran hy vọng rằng các tương tác tích cực của nước này với các quốc gia khác sẽ tiếp tục diễn ra.

Theo ông Yaqoub Rezazadeh, thành viên ban chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia Iran, Tổng thống Iran sẽ sớm gặp người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Quốc vương Oman dự kiến thăm Iran trong những tháng tới.

Mới đây, Iran đã bổ nhiệm đại sứ tại UAE, vị trí vốn bị bỏ trống từ năm 2016 khi UAE hạ cấp quan hệ với Tehran. Trước đó, tháng 9/2022, UAE đã cử đại sứ trở lại Iran...

Quan hệ giữa Iran với các nước vùng Vịnh ấm lên gửi đi tín hiệu tích cực. Việc Iran và các nước Arab mở rộng giao lưu, hợp tác sẽ góp phần tạo bầu không khí thuận lợi cho các nỗ lực tìm giải pháp cho các vấn đề quan trọng ở Trung Đông, vì hòa bình và ổn định và phát triển của khu vực.