Các hãng truyền thông của Iran và Saudi Arabia đều dẫn tuyên bố chung được các phái đoàn hai nước đưa ra sau cuộc thảo luận tại Trung Quốc, trong đó nêu rõ: Iran và Saudi Arabia nhất trí nối lại quan hệ ngoại giao và trong vòng hai tháng tới sẽ mở cửa trở lại các đại sứ quán và phái đoàn ngoại giao ở mỗi nước. Tuyên bố chung nhấn mạnh, Iran và Saudi Arabia tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Hai nước nhất trí tái khởi động các thỏa thuận hợp tác song phương về an ninh, thương mại, đầu tư và văn hóa.
Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia trong một thời gian dài luôn ở trạng thái căng thẳng, bởi hai bên được cho là ủng hộ các phe đối địch trong một số cuộc xung đột ở khu vực. Saudi Arabia đứng về phía chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen, trong khi Iran ủng hộ lực lượng Houthi. Tại Leban, Riyadh đứng về phía các chính trị gia theo dòng Hồi giáo Sunni, trong khi Tehran ủng hộ lực lượng Hezbollah của người Shiite. Tại Syria, Iran ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar Assad, trong khi Saudi Arabia lại đứng về lực lượng nổi dậy. Năm 2016, Saudi Arabia và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Hai năm gần đây, Iran và Saudi Arabia đã tìm cách cải thiện quan hệ song phương. Tháng 4/2021 đánh dấu các cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên tại Iraq giữa các quan chức Iran và Saudi Arabia nhằm hàn gắn quan hệ. Từ tháng 4 đến tháng 9/2022, ít nhất bốn vòng đàm phán giữa Iran và Saudi Arabia được tổ chức với vai trò trung gian của Iraq và Oman. Thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran-Saudi Arabia đạt được hôm 10/3 sau cuộc đàm phán tại Trung Quốc và được đánh giá là bước ngoặt đưa Iran và Saudi Arabia xích lại gần nhau hơn.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đánh giá, việc Iran và Saudi Arabia khôi phục quan hệ ngoại giao là một thắng lợi cho đối thoại và hòa bình. Chúc mừng Riyadh và Tehran đã có bước đi mang tính lịch sử và đạt được kết quả quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương, ông Vương Nghị đồng thời khẳng định Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy của cả hai nước và sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng.
Trung Quốc tạo nhiều dấu ấn đáng kể trong nỗ lực góp phần ổn định tình hình ở Trung Ðông. Tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Saudi Arabia và tham dự cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc với sáu nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Tháng 2/2023, Chủ tịch Trung Quốc đã tiếp đón Tổng thống Ebrahim Raisi, đánh dấu chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Iran tới Bắc Kinh trong vòng 20 năm.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ đã nhận được thông tin về việc Iran và Saudi Arabia khôi phục quan hệ ngoại giao; khẳng định Washington hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm giảm căng thẳng ở khu vực Trung Ðông. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, Saudi Arabia và Iran đều có vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực, vì vậy việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao có thể góp phần ổn định toàn bộ khu vực. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Riyadh và Tehran. Tổng Thư ký GCC bày tỏ hy vọng thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran sẽ góp phần tăng cường an ninh và hòa bình.
Theo mạng tin tức Nour News của cơ quan an ninh Iran, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran cùng một số quan chức cấp cao kinh tế, ngân hàng ngày 16/3 thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ðây tiếp tục là tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa Iran và các nước vùng Vịnh. Việc các quốc gia trong khu vực nỗ lực giải tỏa hiểu lầm và khúc mắc, dần thu hẹp bất đồng và tăng cường hợp tác mang lại lợi ích thiết thực, góp phần hạ nhiệt “chảo lửa Trung Ðông”, kiến tạo hòa bình, ổn định để cùng vượt qua thách thức và phát triển.