Hòa bình Trung Đông cần thêm nỗ lực

Quan hệ giữa Israel và Palestine leo thang căng thẳng sau khi nội các Israel chính thức công nhận 9 khu định cư ở khu vực Judea và Samaria thuộc khu Bờ Tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Mỹ đã chỉ trích các động thái của Israel mở rộng khu định cư, đồng thời cảnh báo những vụ bạo lực gần đây làm gia tăng căng thẳng Israel-Palestine.
0:00 / 0:00
0:00
Người Palestine phản đối hoạt động gần đây ở Dải Gaza, ngày 27/1/2023. Ảnh: REUTERS
Người Palestine phản đối hoạt động gần đây ở Dải Gaza, ngày 27/1/2023. Ảnh: REUTERS

Sau chuyến thăm tới Trung Đông trong nỗ lực nhằm kêu gọi giảm căng thẳng giữa Israel và Palestine, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blin-ken) đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về hoạt động định cư của Israel. Ông Blinken nêu quan ngại về quyết định của Israel hợp pháp hóa 9 khu định cư ở Bờ Tây và báo cáo kế hoạch xúc tiến việc xây dựng 10.000 nhà định cư.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định, Washington không ủng hộ các biện pháp đơn phương như vậy, vốn là những yếu tố làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu triển vọng về giải pháp hai nhà nước đang được đàm phán.

Giới chuyên gia đánh giá, phản ứng từ phía Mỹ lần này rất đáng chú ý, do chính Bộ trưởng Ngoại giao đưa ra chứ không phải thông qua một người phát ngôn như thường lệ. Trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (B.Nê-ta-ni-a-hu) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (M.Áp-bát), Bộ trưởng Blinken đã nhấn mạnh sự cấp thiết với cả Israel và Palestine phải tiến hành các bước đi nhằm khôi phục trạng thái yên tĩnh ở khu vực.

Đáp lại đề nghị của Tổng thống Palestine về việc Mỹ can thiệp nhanh chóng và hiệu quả, Bộ trưởng Blinken cam kết sẽ liên lạc với Chính phủ Israel và Washington sẽ duy trì nỗ lực ngăn chặn các hành động đơn phương từ Tel Aviv.

Liên hợp quốc cho biết, chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, Israel đã phá hủy 132 công trình tại 38 cộng đồng thuộc Bờ Tây. Số lượng này tăng 135% so với mức cùng kỳ năm 2022.

Liên hợp quốc cho biết, chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, Israel đã phá hủy 132 công trình tại 38 cộng đồng thuộc Bờ Tây, trong đó có 34 nhà ở và 15 công trình được tài trợ xây dựng. Số lượng này tăng 135% so với mức cùng kỳ năm 2022. Lo ngại về diễn biến này, cũng như việc Israel từ chối cấp phép cho người Palestine xây dựng tại vùng Bờ Tây, các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhằm chấm dứt việc người Israel phá hủy nhà ở của người Palestine. Đây có thể được xem là nỗ lực nhằm thu hẹp quyền tự quyết và đe dọa cuộc sống của người Palestine.

Việc chính quyền Israel phê chuẩn các dự án mở rộng khu định cư Do thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Việc chính quyền Israel phê chuẩn các dự án mở rộng khu định cư Do thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cáo buộc Israel “vượt qua mọi lằn ranh đỏ”. Người phát ngôn của Tổng thống Palestine nhấn mạnh, quyết định của nội các Israel gây tổn hại tới nỗ lực hòa bình của các nước Arab và quốc tế cũng như người dân Palestine.

Khu định cư Do thái là một trong những vấn đề gai góc nhất cản trở việc nối lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine bị đình trệ lâu nay. Hiện nay có hơn 475.000 người Israel cư trú trong các khu định cư ở Bờ Tây, nơi mà 2,8 triệu người Palestine đang sinh sống. Ai Cập đã chỉ trích động thái của Chính phủ Israel nhằm hợp pháp hóa và xây dựng mới các khu định cư Do thái ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, đồng thời nói rằng quyết định này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Ai Cập chỉ trích các biện pháp đơn phương và hành động vi phạm luật pháp quốc tế, như thiết lập các khu định cư, phá dỡ nhà ở, ép buộc di dời, tịch thu đất đai, tấn công đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền). Ai Cập cũng nhấn mạnh về các nghị quyết quốc tế nhằm bảo vệ hiện trạng pháp lý của Jerusalem, trong đó có việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không công nhận bất kỳ sự thay đổi nào đối với đường biên giới năm 1967, kể cả liên quan đến Jerusalem, ngoại trừ những điều được thống nhất thông qua đàm phán.

Những động thái đơn phương từ phía Israel có nguy cơ thổi bùng làn sóng bạo lực tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, gây ra những xáo trộn nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định của toàn khu vực. Cộng đồng quốc tế kêu gọi Israel chấm dứt ngay lập tức các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, các bên khôi phục đàm phán hòa bình Trung Đông, với mục tiêu cuối cùng là một nền hòa bình toàn diện và công bằng, trong đó Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với Israel.