Liên hợp quốc kêu gọi giảm căng thẳng ở Trung Đông

Ngày 22/3, Đặc phái viên Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland bày tỏ quan ngại trước tình trạng gia tăng căng thẳng giữa Israel và Palestine; đồng thời kêu gọi bảo đảm tình hình ổn định trước thời gian diễn ra các dịp lễ Ramadan, Phục sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Người biểu tình Palestine ném đá trong cuộc xung đột với binh sỹ Israel tại thành phố Nablus, Khu Bờ Tây ngày 17/8/2022. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)
Người biểu tình Palestine ném đá trong cuộc xung đột với binh sỹ Israel tại thành phố Nablus, Khu Bờ Tây ngày 17/8/2022. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại phiên họp hằng tháng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc xung đột Israel-Palestine, ông Wennesland hối thúc các bên kiềm chế trong thời gian diễn ra các hoạt động tín ngưỡng hòa bình này, tránh các bước đi đơn phương làm leo thang căng thẳng.

Tại cuộc họp, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga cũng phản đối tình trạng leo thang bạo lực tại Israel và Bờ tây, cũng như việc Quốc hội Israel hủy bỏ luật rút quân năm 2005. Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng, việc Israel bãi bỏ luật rút quân đã phủ bóng đen lên khả năng nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu Đại sứ Israel tại Washington để bày tỏ quan ngại về việc Israel bỏ luật rút quân. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Israel đã vi phạm các cam kết với Washington khi bãi bỏ một phần của luật rút quân năm 2005.

Theo đó, vào năm 2004, Thủ tướng Israel khi đó là ông Ariel Sharon đã hứa với Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush rằng ông sẽ sơ tán người Israel khỏi 24 khu định cư ở Gaza và bốn khu định cư ở phía bắc thành phố Samaria thuộc Bờ tây.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị các bên ngay lập tức thực hiện các nội dung trong thỏa thuận Sharm el-Sheikh đã ký hôm 19/3 tại Ai Cập, đặc biệt là việc tôn trọng nguyên trạng lịch sử của thành phố Jerusalem và các thánh địa linh thiêng, đồng thời kiềm chế và phối hợp bảo đảm khoảng thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, trùng với lễ Quá hải của người Do thái, diễn ra trong hòa bình.

Trước đó, Quốc hội Israel ngày 21/3 đã thông qua việc bãi bỏ luật rút quân năm 2005. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép người Israel trở lại bốn khu định cư gồm Homesh, Sa-Nur, Kadim và Ganim nếu như nhận được sự đồng ý từ quân đội Israel. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Bờ tây nhiều tháng qua.

Để trấn an dư luận, Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ, quyết định của Quốc hội Israel đã chấm dứt quy định ngăn người Do thái sinh sống tại những khu vực phía bắc thành phố Samaria, nơi mà Israel cho là một phần của lãnh thổ nước này trong quá khứ. Do đó, Chính phủ Israel không có ý định mở thêm khu định cư mới tại đây.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Palestine đã phản đối tuyên bố nêu trên, cho rằng quan điểm của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đồng nghĩa với việc chính thức công nhận việc sáp nhập khu Bờ tây; đồng thời coi đây là hành động chống người Palestine.