Giải bài toán an ninh lương thực

Để giúp châu Phi vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, các đối tác phát triển vừa cam kết hỗ trợ hàng chục tỷ USD thúc đẩy sản xuất lương thực tại châu lục này trong 5 năm tới. Các nhà phân tích cho rằng, chìa khóa giúp giải quyết tận gốc nạn đói tại châu Phi là tăng cường năng lực tự sản xuất, thay vì phụ thuộc nhập khẩu và cứu trợ.
0:00 / 0:00
0:00
Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Liên hợp quốc, hơn 20% dân số châu Phi, tương đương 278 triệu người, đang đối mặt nạn đói. Chỉ riêng tại khu vực Sahel, khoảng 18,6 triệu người phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng hơn 5,6 triệu người so con số được đưa ra hồi tháng 6/2022. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Burkina Faso, Niger và Nigeria.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cũng cảnh báo, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Sừng châu Phi đang ngày càng khó kiểm soát. Nạn suy dinh dưỡng tiếp tục lan rộng. Ước tính, 5,1 triệu trẻ em tại Ethiopia, Kenya và Somalia bị suy dinh dưỡng nặng, kéo theo những hệ lụy khôn lường đối với sự phát triển và cuộc sống của các em.

Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực tại châu Phi là những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra chưa được chữa lành, trong khi cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá năng lượng và ngũ cốc tăng cao trong thời gian dài. Chuyên gia nông nghiệp tại Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) Bio Goura Soulé cho rằng, sau khi chạm mức cao kỷ lục vào tháng 3/2022, giá lương thực thế giới đã giảm hồi cuối năm 2022, sau khi Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Nhờ vậy, châu Phi đã tránh được kịch bản rơi vào nạn đói trên diện rộng. Tuy nhiên, giá phân bón liên tục tăng vẫn có thể ảnh hưởng hoạt động sản xuất nông nghiệp trong năm 2023. Theo ông Soulé, tình trạng thiếu lương thực tại châu Phi chưa thể sớm lắng dịu, nhất là khi hầu hết các nước cần hỗ trợ lương thực trên thế giới đều ở khu vực này.

Biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến bức tranh an ninh lương thực tại châu Phi thêm đậm gam xám. WFP mới đây cảnh báo, sau 5 mùa liên tiếp ghi nhận lượng mưa dưới mức trung bình, quy mô cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Sừng châu Phi ngày càng lan rộng. Đáng lo ngại, lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5/2023 cũng được dự báo dưới mức trung bình.

Bên cạnh đó, tình trạng xung đột kéo dài hạn chế hoạt động của các tổ chức nhân đạo. Văn phòng Liên hợp quốc tại Tây Phi và Sahel cho biết, bất ổn tiếp tục gia tăng ở phần lớn khu vực Tây Phi và Sahel bất chấp những nỗ lực của các lực lượng an ninh quốc gia và đối tác quốc tế.

Từ giữa năm 2021 đến nay, WFP đã tăng hơn gấp đôi số lượng lượt cứu trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Sừng châu Phi, từ 4 triệu lên hơn 8,8 triệu người nhận lương thực mỗi tháng. Tuy nhiên, các nhu cầu nhân đạo tiếp tục vượt xa khả năng cứu trợ. WFP nhấn mạnh, châu Phi sẽ mất rất nhiều năm để có thể phục hồi hoàn toàn sau những cú sốc an ninh lương thực vừa qua.

Theo các chuyên gia, châu Phi có tiềm năng lớn để tự sản xuất ngũ cốc. Tuy nhiên, Tổng thống Senegal Macky Sall cho biết, Lục địa đen đang đối mặt nghịch lý, khi phần lớn thực phẩm được tiêu thụ tại đây đều là hàng nhập khẩu, trong khi 65% diện tích đất có thể canh tác lại bị bỏ hoang.

Để hỗ trợ châu Phi, tại Hội nghị cấp cao Lương thực châu Phi, diễn ra tại Senegal mới đây, các đối tác phát triển đã cam kết tài trợ 30 tỷ USD giúp châu lục tăng cường năng lực sản xuất và vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định, chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố cốt lõi để giảm nghèo, khuyến khích phát triển bền vững và tạo việc làm tại châu Phi.