Trong bối cảnh thế giới đối mặt nguy cơ từ những rào cản thương mại liên tiếp được dựng lên, việc thắt chặt sợi dây liên kết giữa các nước được coi là giải pháp cần thiết giúp nền kinh tế đứng vững trước sóng gió.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 11, vừa diễn ra ở Bắc Kinh, ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhấn mạnh, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực là trọng tâm hàng đầu trong hợp tác giữa ba nước thời gian tới. Theo đó, ba nước nhất trí tiếp tục trao đổi về việc tái khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, đẩy mạnh mở rộng thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng và sản xuất trong khu vực.
Trong khi đó, sau 6 năm bị gián đoạn, Đối thoại Kinh tế cấp cao Nhật Bản-Trung Quốc cũng được nối lại với kết quả tốt đẹp khi hai bên đạt 20 thỏa thuận hợp tác quan trọng.
Nhiều mối liên kết kinh tế liên lục địa cũng được thắt chặt. Liên minh châu Âu (EU) tăng tốc mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác. Tại cuộc gặp mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết hoàn tất hiệp định thương mại tự do trong năm 2025, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương.
Chỉ vài tháng qua, Liên minh Cờ xanh đã liên tiếp thắt chặt hợp tác với các đối tác khi hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại số với Hàn Quốc và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), nâng cấp FTA với Mexico và tái khởi động đàm phán FTA với Malaysia.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định, tăng cường hội nhập kinh tế với các nước trên thế giới là giải pháp hữu hiệu để EU ứng phó những thách thức do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Về phần mình, tân Thủ tướng Canada Mark Carney đã chọn Anh và Pháp là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Canada diễn biến phức tạp dưới thời Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Carney khẳng định, bên cạnh nỗ lực duy trì mối quan hệ tích cực với Mỹ, việc củng cố quan hệ với những đồng minh đáng tin cậy tại châu Âu là mục tiêu quan trọng hơn bao giờ hết đối với Ottawa.
Thắt chặt những sợi dây liên kết kinh tế là bước đi cần thiết, trong bối cảnh những rào cản thương mại mang đến mối đe dọa chung đối với nhiều quốc gia. Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định, với chính sách thương mại cởi mở và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Khu vực đồng euro (Eurozone) đặc biệt dễ bị tổn thương trước những sóng gió toàn cầu. Căng thẳng thương mại gia tăng sẽ khiến tăng trưởng tại Eurozone giảm tới 0,5 điểm phần trăm, đồng thời khiến lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, các hàng rào thuế quan mới cũng có thể đẩy nền kinh tế Canada đứng bên bờ vực suy thoái. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khi hoạt động đầu tư kinh doanh bị ảnh hưởng, lạm phát gia tăng và các ngân hàng trung ương buộc phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,1% vào năm 2025, giảm so mức 3,2% năm 2024, thậm chí có thể tiếp tục giảm xuống chỉ còn 3% năm 2026.
Nhiều nước đang nỗ lực biến thách thức thành cơ hội để tăng cường hợp tác, cùng mở ra những cánh cửa phát triển mới cho nền kinh tế. Những cái bắt tay đó cũng là “chiếc neo” giữ nền kinh tế thế giới đứng vững trước những biến động khó lường hiện nay.