Giá rau xanh ở Hà Nội tăng gấp đôi sau bão

Ngày 8/9, khảo sát tại các chợ dân sinh của Hà Nội cho thấy, chợ hoạt động bình thường nhưng vắng cả người bán và người mua. Giá các mặt hàng rau xanh tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Một hàng bán rau xanh trên phố Nguyễn Thị Thập sáng 8/9.
Một hàng bán rau xanh trên phố Nguyễn Thị Thập sáng 8/9.

Sáng 8/9, thấy bão số 3 tan, ngớt mưa, chị Dương Thanh Thúy ở phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) đến chợ Thạch Bàn để mua thêm thực phẩm tươi.

Dù hoạt động bình thường, nhưng khung cảnh chợ vẫn khá lộn xộn do nhiều mảnh nhựa, vải bạt, cây cối bị gió hất tung.

Các quầy hàng cũng lác đác hơn so với ngày thường.

Chị Thúy cho biết, chợ hoạt động bình thường nên việc mua sắm thực phẩm tươi sống không gặp khó khăn. Tuy nhiên, mặt hàng rau xanh đã tăng giá gấp đôi ngày thường.

Tương tự, qua khảo sát của phóng viên tại một số chợ khác trên địa bàn Hà Nội như các chợ Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Hôm - Đức Viên, Gia Thụy, Nguyễn Thị Thập..., sau khi ngớt mưa gió, nhiều người dân cũng đã đi chợ mua sắm thực phẩm.

Tuy nhiên, tại các chợ, nhiều ki-ốt, quầy hàng đóng cửa, nghỉ bán, chỉ có một số quầy thịt lợn, rau xanh, gia cầm, trái cây... là mở bán.

Hàng hóa tại chợ ít một phần do các tiểu thương dự đoán sức mua sẽ giảm do nhiều gia đình vẫn còn đồ tích trữ từ trước. Ngoài ra, do người dân còn đang tập trung dọn dẹp nhà cửa, khắc phục sự cố sau mưa bão.

Do ảnh hưởng của mưa bão, nông dân gặp khó khăn trong thu hoạch và vận chuyển rau xanh, nguồn cung rau xanh, nhất là rau ăn lá ít, nên các mặt hàng này đã tăng giá gấp đôi, gấp ba ngày thường.

Cụ thể, rau muống, rau ngót, rau mồng tơi tăng lên 30.000 đồng/bó; rau cải từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg; rau mùi tăng từ 4.000 lên 8.000 đồng/bó nhỏ; xà lách có giá từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg…

 Giá rau xanh ở Hà Nội tăng gấp đôi sau bão ảnh 2

Mặt hàng thịt lợn, thịt bò bán chậm và không tăng giá.

Tuy nhiên, không phải mặt hàng rau củ nào cũng tăng giá.

Một số sản phẩm củ, quả không biến động nhiều như cà rốt giá 25.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng/kg; khoai lang dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg; bầu 25.000 đồng/kg…

Trái ngược với mặt hàng rau xanh, giá các loại thịt ở một số chợ truyền thống không có nhiều biến động.

Theo chia sẻ của một số tiểu thương, do nguồn cung ổn định vì được nhập hàng từ nhiều hộ chăn nuôi lợn, bò, cho nên giá các loại thịt không tăng nhiều trong đợt mưa bão.

Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ các mặt hàng này cũng chậm hơn ngày thường do người dân đã mua thực phẩm tích trữ đủ 2-3 ngày từ trước. Anh Nguyễn Đức Việt, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hôm Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Hôm nay hàng bán chậm hơn, đến giữa trưa mà tôi vẫn còn hàng”.

Tại các siêu thị, hàng hóa, thực phẩm liên tục được bổ sung trên các quầy, kệ. Tuy lượng rau quả, thịt cá không dồi dào và phong phú như ngày thường, nhưng vẫn có nhiều mặt hàng tươi mới, bảo đảm nhu cầu người dân.

Chị Huyền Trang, nhân viên siêu thị BRG (tại ngõ 390 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên) cho biết, ngày hôm qua 7/9, người dân mua nhiều, cho nên chiều tối qua siêu thị hầu như hết hàng tươi sống, chỉ còn vài khay thịt gà, cá. Sáng nay, siêu thị đã bổ sung hàng mới gồm cả rau xanh, thịt lợn, gà, bò, cá các loại, người mua có thể thoải mái lựa chọn.

 Giá rau xanh ở Hà Nội tăng gấp đôi sau bão ảnh 3

Siêu thị FujiMart tại toà nhà BRG Lê Văn Lương sáng 8/9 đông khách đến mua sắm.

Tương tự ghi nhận tại các cửa hàng Winmart cho thấy, các loại rau xanh, thịt lợn MEAT Deli, trứng gia cầm, trái cây tươi khá dồi dào.

Đại diện hệ thống Winmart cho biết, do chủ động nguồn rau xanh từ các trang trại, doanh nghiệp thuộc hệ thống công ty chủ quản, cũng như có kết nối nguồn hàng trước với nhiều nhà cung cấp, nên siêu thị không thiếu nguồn rau xanh, thịt cá.

Báo cáo của Bộ Công thương sáng 8/9 cũng cho thấy, tại Hà Nội, do nhiều cây xanh lớn gãy đổ gây khó khăn cho việc di chuyển của các phương tiện, trong đó có các xe vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

Dự báo, khó khăn này còn tiếp tục trong những ngày tới do hoàn lưu của cơn bão sẽ gây mưa lớn trong một vài ngày sẽ gây ngập cục bộ tại một số địa bàn của thành phố. Dự kiến hoạt động kinh doanh tại một số xã gặp khó khăn.

Về cung ứng hàng hóa, từ sáng 8/9, cơ bản các điểm bán hàng đã mở cửa hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.

Nhìn chung hệ thống chợ không có thiệt hại lớn về tài sản, một số chợ bị bung, lật một số mái tôn gây dột cục bộ, vỡ kính, cây đổ cản trở lối vào các chợ... Có hai chợ tại huyện Thanh Trì bị tốc mái.

Hiện nay các chợ đang tích cực khắc phục và thực hiện vệ sinh môi trường chung quanh chợ. Hầu hết các chợ đã hoạt động trở lại, hàng hóa bảo đảm phục vụ nhân dân.

Từ sáng 8/9, cơ bản các điểm bán đã mở cửa bán hàng bình thường, bảo đảm hàng hóa phục vụ người dân; còn một số các điểm bán hàng bị ảnh hưởng bởi tuyến đường ngập lụt và hoặc có hư hỏng về cơ sở vật chất sẽ hoạt động lại ngay sau khi được khắc phục.