Sáng 6/9, hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đều đông đúc, tấp nập người mua hơn ngày thường.
Các quầy bán thịt lợn, trứng gà, thịt bò, rau xanh…có đông người mua.
Ngày thường phải đến gần trưa, chị Nguyễn Minh Tâm, tiểu thương bán thịt tại chợ Thạch Bàn (quận Long Biên) mới hết hàng, nhưng sáng 6/9, chỉ khoảng 8 giờ, chị đã không còn hàng để bán.
Các quầy bán trứng gà, trứng vịt cũng hút khách. Chị Nguyễn Bích Hồng, tiểu thương bán trứng tại chợ Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho biết, chỉ trong buổi sáng, chị đã bán hết 30 khay trứng, khách hàng thường mua từ 10-20 quả.
Hà Nội triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó bão số 3
Tại các cửa hàng rau xanh, không chỉ các loại rau ăn lá như rau muống, rau cải… mà các loại củ quả như bí xanh, su su, khoai tây, củ cải… cũng tiêu thụ mạnh hơn ngày thường.
Người tiêu dùng mua rau, củ tại chợ dân sinh ở Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). |
Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, một số tiểu thương đã nâng giá một số sản phẩm. Đơn cử, rau muống bình thường khoảng 10-15 nghìn đồng/mớ nay tăng lên 20 nghìn đồng/mớ; bí xanh lên 30 nghìn đồng/kg… Giá trứng gà công nghiệp cũng tăng từ 32 nghìn đồng/10 quả lên 35 nghìn đồng/10 quả…
Trong các siêu thị, sức mua cũng tăng cao hơn so với ngày thường.
Tại hệ thống siêu thị BRGMart, sức mua hàng hoá đã tăng khoảng 20% từ chiều 5/9.
Phó Tổng Giám đốc BRGMart Nguyễn Thị Hiền cho biết, nhờ nắm bắt thông tin từ sớm, đơn vị đã chủ động đặt hàng, tăng lượng dữ trữ hàng hoá thiết yếu 30% so với bình thường. Giá cả hàng hoá không có biến động. Hệ thống vẫn triển khai toàn diện các chương trình khuyến mại nhằm thúc đẩy tiêu dùng, bình ổn giá.
Các siêu thị vẫn bảo đảm nguồn cung hàng hóa. |
Tại siêu thị Big C Thăng Long, các quầy kệ rau xanh, thịt, trứng, mì tôm… tấp nập khách mua.
Chị Đỗ Thị Lan (ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Dự báo bão số 3 gây mưa lớn cho Hà Nội trong mấy ngày tới, cho nên tôi đi siêu thị mua lương thực, thực phẩm đủ ăn trong hai, ba ngày".
Theo ông Vũ Thanh Tân - đại diện Central Retail Việt Nam, tối 5/9 và 6/9, siêu thị GO!, Big C miền bắc mở cửa bán hàng tới 23 giờ, thay vì 22 giờ như ngày thường để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.
Bên cạnh đó, siêu thị chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng gấp đôi nguồn cung ứng hàng hóa rau củ quả tươi sống (hàng thiết yếu), bảo đảm không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
“Tính đến thời điểm hiện tại, siêu thị chưa xảy ra hiện tượng khan hàng, giá cả tại siêu thị vẫn bảo đảm như bình thường” – đại diện Central Retail Việt Nam khẳng định.
Sáng 6/9, các mặt hàng như thực phẩm tươi sống (thịt lợn, rau củ có thể lưu trữ lâu như bầu, bí), các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mì gói… có sức mua tăng mạnh tại các siêu thị WinMart trên địa bàn Hà Nội.
Phó Tổng Giám Đốc Chuỗi WinMart Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tại siêu thị WinMart Thăng Long, lượng hàng nhập về tăng từ 200-300% so với ngày thường, lượng khách đến siêu thị mua sắm trong sáng 6/9 tăng 300% so với ngày thường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, WinMart đã lên kế hoạch để bảo đảm đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô dự trữ, điều chỉnh kế hoạch cung ứng với các nhà cung cấp, đặt hàng sớm để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong trường hợp bão làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa từ kho trung tâm về điểm bán, đưa ra các biện pháp đối phó như thay thế nguồn hàng…
Chuỗi siêu thị WinMart vẫn duy trì thời gian hoạt động bình thường trong các trung tâm thương mại từ 8 giờ sáng đến 22 giờ.
Các siêu thị WinMart nằm ngoài trung tâm thương mại mở cửa từ 7 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày.
Chợ Nhật Tân (quận Tây Hồ) tấp nập người mua sáng 6/9. |
Sáng 6/9, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão số 3. Trong đó, yêu cầu bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, không để tăng giá, khan hàng.
Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội khẳng định, nguồn hàng hóa trên địa bàn rất dồi dào, người dân có thể chủ động mua sắm, nhưng không cần thiết phải tích trữ quá nhiều, tránh tình trạng khan hàng gây sốt giá.