Giả mạo nhãn hàng Việt Nam để lừa người tiêu dùng

Thời gian qua, trên thị trường TP Hồ Chí Minh có một lượng lớn hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc được gắn nhãn mác, thương hiệu trong nước để dễ bán và bán giá cao, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại vì không biết đâu là hàng thật, hàng giả…

Cơ quan chức năng tiêu hủy quần áo giả mạo xuất xứ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.
Cơ quan chức năng tiêu hủy quần áo giả mạo xuất xứ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

Tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ Bình Tây (quận 6)… thường xuyên bày bán khá nhiều quần áo, mỹ phẩm hàng xá (chưa gắn nhãn mác) có giá rất rẻ, một số người mua về thay đổi một số chi tiết và gắn nhãn mác "Sản xuất tại Việt Nam" rồi giao sỉ cho thương lái, phân phối cho các cửa hiệu khắp cả nước.

Trong vai người có nhu cầu tìm mua nhãn mác ngoại, logo "Made in Vietnam", tôi được một chủ sạp hàng ở chợ Bình Tây giới thiệu một loạt các nhãn mác nổi tiếng của nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước. Theo bà chủ sạp hàng này, nhiều địa chỉ bán hàng trên mạng, thậm chí cả cửa hàng thời trang lớn cũng nhập hàng giá rẻ rồi mua nhãn mác về may, đính lên quần áo là đã có hàng "Made in Vietnam". Với giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/túi, mỗi túi 1.000 chiếc, người ta có thể biến những chiếc áo hàng chợ hay hàng kém chất lượng nhập lậu thành sản phẩm "Made in Vietnam" và bán gấp hai, ba lần giá gốc.

Thời gian qua, nhiều nhà sản xuất hàng hóa trong nước đã đầu tư lớn vào công nghệ, thiết bị hiện đại, thiết kế các mẫu mã mới, làm cho chất lượng sản phẩm không ngừng được cải thiện. Với hiệu ứng tích cực từ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn,… đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng ngày càng lớn. Vì thế, không ít người đã lợi dụng gắn nhãn mác "xuất xứ Việt Nam" cho hàng ngoại nhập để tăng doanh thu, đánh lừa người tiêu dùng.

Ðầu tháng 6 vừa qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cùng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6 và phát hiện số lượng lớn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong số hàng hóa đã bị lập biên bản, có lô hàng ghi xuất xứ, nhiều lô hàng không ghi xuất xứ, thậm chí có lô hàng gắn nhãn mác "Made in Vietnam". Ðơn cử, lô hàng gần 10.000 sản phẩm ấm pha trà, cặp lồng, tô i-nox không có hóa đơn chứng từ; hơn 2.000 vỏ micro trôi nổi; hơn 600 bộ tách trà không hóa đơn chứng từ nhưng trên sản phẩm in rõ "Hàng Việt Nam" và hơn 1,4 triệu sản phẩm đồ sứ không nhãn hiệu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ các lô hàng đều lúng túng khai báo, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp của sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hiện vẫn chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng hóa "xuất xứ Việt Nam". Ngoài ra, khi xử lý các vụ giả mạo xuất xứ, các cơ quan chức năng thường chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính với mức phạt nhẹ. Cần sớm có chế tài đủ mạnh để xử lý thật nghiêm hành vi vi phạm, gian lận xuất xứ Việt Nam.

Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, để được gắn logo hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm và doanh nghiệp phải trải qua một quy trình kiểm tra, bình chọn nghiêm túc từ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước. Việc "đi tắt đón đầu" danh hiệu này chính là sự mạo nhận, vi phạm nghiêm trọng tài sản sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ, đồng thời lập lờ và gian dối với người tiêu dùng. Mặc dù đã tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng mạo danh lô-gô không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Hội không có thẩm quyền kiểm tra hay xử lý mà chỉ kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc, tuy nhiên, kết quả chưa có nhiều chuyển biến.

Đầu tháng 6-2019, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo nhãn mác "Made in Vietnam" trên địa bàn để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Cục Hải quan thành phố được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu và các khu vực; tổ chức đấu tranh phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ, hàng giả... trong quá trình nhập khẩu hàng hóa. Công an thành phố tổ chức trinh sát, làm rõ phương thức, thủ đoạn, chủ động lập chuyên án để triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng hóa tiêu dùng, thời trang... giả mạo xuất xứ, nhãn mác; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm như nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng gắn nhãn mác "xuất xứ Việt Nam".

Liên quan vấn đề này, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan của Cục, các chi cục thuế quận, huyện phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác "Made in Vietnam" đối với cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ. Trong đó, tập trung nhóm hàng tiêu dùng, thời trang… để có giải pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…