Chủ trì buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Đính khẳng định, môi giới bất động sản không phải là nguyên nhân chính khiến giá bất động sản tăng cao trong thời gian qua tại một số địa phương trong thời gian qua.
Đề xuất giải pháp “hạ nhiệt” giá nhà Hà Nội
"Quyết định giá bán bất động sản là quyền của chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản. Môi giới bất động sản không được tham gia. Họ được tiếp cận bảng giá của chủ đầu tư gần như cùng lúc với khách hàng, nhà đầu tư" - ông Đính nói.
Giống như các ngành nghề khác, môi giới bất động sản cũng đòi hỏi trình độ và năng lực đủ để có thể hành nghề một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, để bảo đảm việc kiểm soát hoạt động của các cá nhân làm nghề, luật mới cũng quy định, không cho phép việc các cá nhân hành nghề tự do, mà phải gắn với một doanh nghiệp nhất định. Quy định này giúp việc theo dõi, quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cá nhân môi giới bất động sản được chặt chẽ và sát sao hơn.
Với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, luật cũng quy định rất chặt chẽ. Không chỉ vậy, luật cũng quy định rất rõ về các biện pháp xử phạt đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động môi giới không đạt chuẩn, cung cấp thông tin sai lệnh, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng tới khách hàng, nhà đầu tư…
Một số đại diện sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, nhiều môi giới bất động sản đang lo phải nghỉ Tết sớm vì tình hình giá bất động sản tăng “nóng” như hiện nay khiến cho các giao dịch rất khó thành công. Thường xuyên xảy ra tình trạng người bán thay đổi, tăng giá bán.
Hơn ai hết, môi giới bất động sản chính là người mong muốn giá bán bất động sản được xác định ở mức phù hợp nhất. Có như vậy, việc môi giới bán hàng mới thuận lợi, người làm nghề môi giới mới có cơ hội nhận hoa hồng. Bởi lẽ, môi giới “sống dựa vào hoa hồng”. Họ thà chấp nhận hoa hồng thấp, nhưng đều đặn để duy trì cuộc sống và tích tiểu thành đại, còn hơn cả năm theo đuổi một “deal to” (thỏa thuận có giá trị lớn) mà luôn trong tình trạng “hên xui” - ông Đính phân tích.
Về giá đất đấu giá tại một số địa phương của Hà Nội bị đẩy lên quá cao, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây có khả năng là hành vi đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung-cầu để ôm hàng, thổi giá nhằm “lướt sóng”, kiếm chênh lệch.
Tuy nhiên, cần xác định rất rõ, đây là hành vi của những “tay đầu cơ”, có tài chính. Những đối tượng này hoàn toàn khác với môi giới bất động sản. Môi giới bất động sản hành nghề và hưởng thù lao từ hoạt động tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ cho hai bên mua-bán thực hiện giao dịch, hoàn tất các thủ tục...
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, số môi giới bất động sản có tiềm lực kinh tế để “ôm hàng” không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay, không thể “tạo sóng” hay “lũng đoạn thị trường”.