Đề xuất giải pháp “hạ nhiệt” giá nhà Hà Nội

Nhằm giảm giá nhà ở, ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội, Bộ Xây dựng đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đấu sát tình hình thực tế, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, để hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
0:00 / 0:00
0:00
Đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) vào tháng 8/2024 lập “kỷ lục” về giá, số lượng người tham gia và cả số trường hợp bỏ cọc. (Ảnh Mạnh Khánh)
Đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) vào tháng 8/2024 lập “kỷ lục” về giá, số lượng người tham gia và cả số trường hợp bỏ cọc. (Ảnh Mạnh Khánh)

Thành phố nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý”…

Diễn biến giá bất động sản tăng bất thường tại một số khu vực, dự án, khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội là vấn đề được các thành viên thị trường đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường bất động sản và để kịp thời ổn định tình hình thị trường, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 1488/BXD-QLN ngày 4/4/2024 đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn, nhất là tại các dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất động sản như cơ quan báo chí đã phản ánh; có biện pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết, sự hạn chế của nguồn cung bất động sản chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá bất động sản. Tại nhiều khu vực, địa phương, giá bất động sản tăng còn do tác động bởi một số yếu tố.

Trong đó một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây, cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới. Đáng chú ý, tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội, có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Bộ Xây dựng đánh giá, việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt. Có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Nhiều trường hợp “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá, mục đích là nhằm thiết lập mặt bằng giá ảo để kiếm lời.

Việc đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm có tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, giá nhà ở của khu vực lân cận và của địa phương; đồng thời làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung cho thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Nhằm giảm giá nhà ở, bất động sản và ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ một số giải pháp. Trong đó, đối với tình trạng một số đối tượng đẩy giá đất đấu giá lên cao, tạo “giá ảo”, sau đó lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi, Bộ Xây dựng đề xuất, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, để hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.

Bộ Xây dựng đề xuất thành phố Hà Nội và các địa phương cần có giải pháp, biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực của việc ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 đến mặt bằng giá đất, giá nhà, đến cung cầu của thị trường bất động sản.

Ông Vương Duy Dũng lưu ý, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý”, nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố, các cơ quan quản lý cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, triển khai thực hiện các dự án bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.