Hiện tượng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất - đâu là nguyên nhân?
Trước câu hỏi về việc có hơn 80% số lô đất đấu giá tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) bị bỏ cọc, và tình trạng giá nhà tăng cao bất thường dù giao dịch trên thị trường chưa sôi động, Bộ Xây dựng đã chính thức lên tiếng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/10, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Việt Hùng khẳng định, đây là vấn đề có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản và quyền lợi của người dân.
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất cao rồi bỏ cọc là một trong những hành vi thao túng, thổi giá thị trường.
Theo quy định pháp luật, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất phải tuân thủ theo Luật Đất đai và Luật Đấu giá. Tuy nhiên, những kẽ hở trong quy định và chế tài chưa đủ mạnh đã tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân trục lợi bằng cách thổi giá, sau đó bỏ cọc, khiến giá đất bị đẩy lên mức ảo.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị điều chỉnh bởi các quy định nghiêm ngặt trong Bộ luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.
Ngăn chặn hành vi thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản
Trước tình hình này, Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát tình hình đấu giá đất, ngăn chặn các hành vi gian lận, thổi giá.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng. Cụ thể, trong Văn bản số 5333/BXD-QLN ngày 18/9/2024, bộ đã phân tích nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một loạt giải pháp gửi tới Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 5155/BXD-QLN ngày 6/9/2024 gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát tình trạng biến động giá bất động sản.
Giải pháp nào để tránh bong bóng bất động sản?
Các giải pháp chính được Bộ Xây dựng đề xuất bao gồm: Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Công điện số 82/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật đối với các dự án, chủ đầu tư và đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu phát hiện.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý hành vi “thổi giá” bất động sản
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất nhằm tăng nguồn cung bất động sản, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Thường xuyên công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản, các dự án phát triển đô thị và nhà ở đã được phê duyệt để bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận và lừa đảo.
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý”. Mô hình này nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý, bảo đảm quyền lợi của người dân khi mua bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách thuế phù hợp để ngăn chặn tình trạng nhà đất bị mua nhưng bỏ hoang, không sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng thổi giá và bỏ cọc đấu giá đất không chỉ giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, mà còn bảo vệ quyền lợi của những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, giá bất động sản tại các thành phố lớn vẫn có dấu hiệu tăng cao, nhưng giao dịch chưa thực sự sôi động. Điều này cho thấy, có những tác động từ các yếu tố không lành mạnh như thổi giá, tạo giá ảo.
Việc công khai, minh bạch thông tin thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra, và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là những yếu tố then chốt để đưa bất động sản về đúng giá trị thực, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thực sự tiếp cận được với nhà ở.