Gắn kết di sản văn hóa với phát triển bền vững

Các đại biểu trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam gắn với sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn di sản thế giới tại Việt Nam.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn di sản thế giới tại Việt Nam.

Chiều 24/3, tại Nhà khách Chính phủ (Hà Nội), Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế về Phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam.

Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 1987. Đến nay, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An. Những di sản này đã và đang đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các đại biểu trong nước và quốc tế đã thảo luận chung quanh hai chủ đề: Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững của Việt Nam và Phát huy giá trị di sản - thực tiễn và kinh nghiệm.

Các tham luận đã tập trung thảo luận, phân tích những đặc thù của từng di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam; nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản…, tập trung ở những thách thức trong cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; bảo tồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát huy di sản trong môi trường số…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương dẫn đầu về số lượng di tích, được biết đến là “Thành phố di sản” với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú. Tất cả di sản văn hóa trên chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô, góp phần tạo nên diện mạo của đất Thăng Long-Hà Nội. Đó cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.

Sau khi UNESCO ghi danh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, Chính phủ Việt Nam, thành phố Hà Nội đã tập trung cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, kỹ-mỹ thuật, phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di sản. Hiện nay, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được định hướng là địa chỉ đi đầu trong phát triển không gian sáng tạo văn hóa; đồng thời, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ.

Từ ý kiến của đại diện các địa phương sở hữu di sản, các nhà khoa học, Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản như: tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững...