Vai trò bảo tồn của cộng đồng địa phương
Công ước Di sản thế giới năm 1972 về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới của UNESCO là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa bảo tồn và phát triển. Năm nay, Công ước tròn 50 năm kể từ ngày được thông qua. Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay tới Việt Nam tham gia chuỗi sự kiện chào mừng này.
Có mặt tại Ninh Bình, tham quan vùng di sản và cũng là vùng đất cố đô, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh, bà Audrey Azoulay bày tỏ hết sức vui mừng: “Trong 5 năm qua, chúng tôi chứng kiến những cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản. Tôi có dịp được thấy khu di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên như thế nào”.
Bà Audrey cho biết, ghi nhận những nỗ lực bảo tồn và phát triển trong những năm vừa qua của Tràng An, UNESCO đã chọn Tràng An cùng ba di sản khác trên thế giới để thực hiện thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ. Tại Tràng An, UNESCO ủng hộ những người phụ nữ chèo đò truyền thống và đánh giá cao cách thức tham quan di sản bằng đò thân thiện môi trường này. Bà phát biểu: “Trong thế giới hiện nay, chúng ta cần bảo đảm rằng những nỗ lực dung hòa giữa du lịch và phát triển bền vững với bảo tồn thiên nhiên như vậy được thực hiện để gìn giữ vẻ đẹp của từng khu di sản, tại tất cả các khu di sản thế giới tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu”.
Đại diện tổ phụ nữ chèo đò ở Tràng An, bà Ninh Thị Dung, người dân xã Ninh Xuân, Ninh Bình chia sẻ: “Chúng tôi tự hào vừa là chủ nhân của di sản, vừa là cầu nối di sản, hằng ngày được gặp gỡ giới thiệu, kể cho du khách trong và ngoài nước những câu chuyện mộc mạc về vẻ đẹp của những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương mình, về di sản của mình”. Đội chèo đò gồm 2.000 phụ nữ là người dân địa phương, chủ yếu từ hai xã Ninh Xuân và Trường Yên, là những “đại sứ du lịch” luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách đến Tràng An.
Khẳng định vai trò của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy di sản, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, việc bảo vệ di sản văn hóa là ưu tiên hàng đầu của chính quyền và mọi người dân địa phương. “Các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên ở Ninh Bình là nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình, đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, là cơ hội để Ninh Bình phát triển bền vững, mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đòi hỏi sự tập trung cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của từng người dân trực tiếp sở hữu di sản, chung sống với di sản, phát huy cùng di sản”, ông Ngọc chia sẻ.
UNESCO chọn Tràng An cùng với ba di sản khác trên thế giới để thí điểm dự án về du lịch bền vững. |
Việt Nam đóng góp ngày càng tích cực
Việt Nam tham gia Công ước Di sản thế giới từ năm 1978. Trong suốt 35 năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực tại các diễn đàn của UNESCO về di sản thế giới, đã bốn lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới. Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ với UNESCO giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao năng lực quản lý và tăng cường mạng lưới các khu di sản thế giới.
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, tham gia diễn đàn của UNESCO, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Mối quan hệ hợp tác trong bảo tồn di sản đã góp phần bảo đảm tính phù hợp và tiếp tục đóng góp cho các chiến lược phát triển quốc gia, cũng như những chiến lược phát triển của địa phương có di sản. Sự phát triển được thể hiện bằng cả thực tiễn và lý luận, thông qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng theo tinh thần của Công ước. “Đó không chỉ là thay đổi về nhận thức, quan điểm mà còn tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ di sản”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp các kinh nghiệm, sáng kiến trong việc bảo tồn di sản văn hóa thiên nhiên. Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới diễn ra tại Ninh Bình là sự kiện dự mở đầu cho chuỗi các hoạt động thế giới kỷ niệm Công ước 1972, hướng tới lễ kỷ niệm toàn cầu tại Florence (Italy) vào tháng 11 tới. Sự kiện cũng đánh dấu 35 năm Công ước được thực thi ở Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, “lễ kỷ niệm kép” này cũng chính là dịp đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa UNESCO và Việt Nam.
Trong 35 năm qua, đã có tới tám di sản của Việt Nam đã được ghi danh là Di sản thế giới. Bà Audrey đánh giá cao các đóng góp thực chất, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của tổ chức cũng như vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Việt Nam cũng đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và sắp tới sẽ ứng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, qua đó cùng các quốc gia khác hoàn thiện chính sách cũng như thúc đẩy những biện pháp nhằm bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.