Công Tác Khai Quật-Nghiên Cứu Khảo Cổ Học

Theo dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm, Thăng Long được xác nhận là kinh đô của nhiều vương triều quân chủ Việt Nam. Mỗi vương triều sở hữu hàng trăm cung điện lộng lẫy phô bày sức mạnh và sự phồn thịnh. Song, do binh lửa chiến tranh và thời gian, diện mạo kinh đô xưa chỉ còn sót lại một số dấu tích trên mặt đất như thành bậc chạm rồng đá thời Lê sơ của điện Kính Thiên (thế kỷ XV), tòa Đoan Môn (thế kỷ XVII-XVIII), di tích Hậu Lâu, Kỳ Đài, Bắc Môn (thế kỷ XIX, XX)…

Tháng 12/2002, cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam được các chuyên gia tiến hành trên tổng diện tích 19.000 m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội đã làm phát lộ nhiều dấu vết kiến trúc độc đáo của Hoàng thành Thăng Long cùng hàng triệu hiện vật quý giá. Qua đó, phần nào tái hiện tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các tầng văn hóa xếp chồng lên nhau, từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến IX), xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn (1010-1945).

Tháng 12/2002, cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam được các chuyên gia tiến hành trên tổng diện tích 19.000 m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội đã làm phát lộ nhiều dấu vết kiến trúc độc đáo của Hoàng thành Thăng Long cùng hàng triệu hiện vật quý giá. Qua đó, phần nào tái hiện tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các tầng văn hóa xếp chồng lên nhau, từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến IX), xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn (1010-1945).

Những năm qua, công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ học vẫn luôn được đẩy mạnh tại Hoàng thành Thăng Long để làm cơ sở cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan quản lý có thẩm quyền đã cho phép Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội thực hiện khai quật ở trục trung tâm, tập trung chính vào khu vực chính điện Kính Thiên-nơi thiết triều của các triều đại trước đây. Các nhà khoa học đã phát hiện được tầng văn hóa Thăng Long-Hà Nội ở độ sâu 1-6m với nhiều lớp văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử nối tiếp nhau. Xuất lộ nhiều di tích kiến trúc nền móng của hoàng cung Thăng Long xưa như móng cột, sân nền, đường đi, dấu tích giếng nước, đường nước… có niên đại hơn 1.000 năm.

Các nhà khoa học nghe thuyết trình về kết quả khai quật khảo cổ năm 2020.

Các nhà khoa học nghe thuyết trình về kết quả khai quật khảo cổ năm 2020.

Các di tích này có mối quan hệ và sự liên kết chặt chẽ, góp phần tạo thành tổng thể liên hoàn phản ánh rõ mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, đồng thời cũng làm rõ hơn sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long.

Đợt khai quật năm 2008-2009 dưới lòng đất Nhà Quốc hội đã giúp các chuyên gia phát hiện khoảng 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ của nhiều thời kỳ, minh chứng tòa Nhà Quốc hội nằm ở vị trí phía tây nam của Cấm thành Thăng Long xưa. Đây chính là tiền đề để hình thành nên khu trưng bày khảo cổ học chân thực, sống động và hiện đại nằm ngay ở công trình quan trọng bậc nhất trong đời sống chính trị của đất nước-Nhà Quốc hội, chính thức khai trương từ giữa năm 2016.

Các hiện vật tiêu biểu thời Trần, Mạc, Lý, Lê Trung Hưng, Lê Sơ, Đại La tìm thấy trong đợt khai quật năm 2020.

Các hiện vật tiêu biểu thời Trần, Mạc, Lý, Lê Trung Hưng, Lê Sơ, Đại La tìm thấy trong đợt khai quật năm 2020.

Trên diện tích 3.700 m2, hơn 400 di vật và 10 di tích tiêu biểu chọn lọc từ nền móng của mảnh đất linh thiêng đã được trưng bày tại tầng hầm 1 và 2 của Nhà Quốc hội theo lát cắt địa tầng khảo cổ và diễn biến thời gian.

Tầng hầm 2 (diện tích 2000 m2) tập trung thể hiện những di tích, hiện vật thời kỳ Tiền Thăng Long, gồm thời Đại La (thế kỷ VII-IX) và thời Đinh-Tiền Lê (thế kỷ X), tiêu biểu với những phát hiện về hệ thống cột gỗ được chôn sâu làm hố móng chống lún, mái ngói âm dương, gạch lát in nổi hình hoa sen, hình sóng nước…

Tầng hầm 1 (diện tích 1.700 m2) trưng bày những di tích, hiện vật thời kỳ Thăng Long xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê (thế kỷ XI-XIX).

Hoàng thành Thăng Long là công trình di sản đồ sộ cả về chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa, vì thế còn rất nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu, giải mã.

Các hiện vật được sắp xếp, tổ chức khoa học với sự trợ giúp của ánh sáng, đồ họa, bản đồ, video đã tạo nên sự kết nối hài hòa của di sản truyền thống và hiện đại, góp phần quan trọng trong quảng bá giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của công chúng khi tới thăm tòa Nhà Quốc hội.

Một góc không gian trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.

Một góc không gian trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.

Năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác khai quật khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long vẫn được các chuyên gia tiến hành vào thời điểm cho phép, tập trung về phía đông bắc di tích nền điện Kính Thiên để tìm kiếm những nền móng công trình nằm ở khu vực hậu điện xưa.

Từ đây, nhiều dấu tích quan trọng đã được tìm thấy: dấu tích móng cột sỏi thời Lý; dấu tích kiến trúc tròn thời Trần được phỏng đoán là tiểu cảnh hoặc dấu tích tâm linh thực hiện nghi lễ cúng tế; dấu tích bó nền, móng nền, móng cột, nền sân thời Lê sơ, giếng đá đẹp có độ sâu kỷ lục thời Lê Trung Hưng…

Cuộc khai quật đã tiếp tục làm giàu thêm tư liệu, giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn toàn diện, bao quát hơn về cấu trúc của chính điện Kính Thiên. Hoàng thành Thăng Long là công trình di sản đồ sộ cả về chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa, vì thế còn rất nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu, giải mã.

Từ một khu di tích “kín cổng cao tường”, đến nay, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn của thủ đô; mức thu tăng trung bình mỗi năm gần 30%.

Theo các nhà khoa học, việc khai quật khảo cổ còn phải tiếp tục tiến hành để chuẩn bị những dữ liệu đầu vào đầy đủ hướng đến mục tiêu phục dựng điện Kính Thiên-cung điện quan trọng bậc nhất của Hoàng thành Thăng Long.

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (2011-2021), Viện Nghiên cứu Kinh thành đã công bố bản phỏng dựng 3D Hoàng cung Thăng Long thời Lý với 64 kiến trúc, 38 cung điện, hành lang, 26 lầu lục giác cùng tường bao, đường đi và cổng ra vào. Đây là thành quả nghiên cứu suốt 10 năm qua của các nhà khoa học dựa trên những kết quả khai quật khảo cổ học, nghiên cứu, so sánh lịch sử.

Lần đầu tiên, công chúng được tiếp cận những hình ảnh sống động cho thấy tầm vóc, quy mô, sự rực rỡ về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng cung điện xưa để từ đó càng thêm tự hào, trân trọng.

Đổi Mới Công Tác Giáo Dục Di Sản

Nhờ có định hướng và bước đi đúng đắn trong công tác giáo dục di sản, khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, được đông đảo các bạn nhỏ yêu thích. Đưa di sản đến với thế hệ trẻ, đó cũng là giải phá để bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách bền vững nhất cho mai sau.

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết, đưa những chương trình giáo dục ngoại khóa như “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản”… đến các trường học, thu hút các em học sinh đến với Hoàng thành Thăng Long để hiểu hơn về lịch sử hình thành kinh đô Thăng Long qua hàng nghìn năm.

Nội dung mỗi chương trình đều được thiết kế để phù hợp từng lứa tuổi, từng cấp học, theo hướng vừa học vừa chơi, trải nghiệm kết hợp sáng tạo. Theo đó, nội dung các chuyên đề lịch sử được lồng ghép thông qua các trò chơi, slide trình chiếu, video clip…, giúp các em học sinh được chủ động tiếp cận di sản theo phương pháp mới hứng thú và hiệu quả hơn.

Hoàng thành cũng là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, lịch sử, trưng bày mang tính chuyên đề về Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu, các dấu mốc lịch sử đáng nhớ, biểu diễn âm nhạc truyền thống… nhằm thu hút nhiều đối tượng công chúng đến và tìm hiểu về di sản đặc biệt này. Đặc biệt, nhiều trưng bày, triển lãm như: Xì-trum, Trò chơi dân gian Việt Nam, Tết Việt, Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ, Thi Đình… tại Hoàng thành Thăng Long đã đem đến cho các em nhỏ nhiều trải nghiệm thú vị, giúp các em tìm về cội nguồn xưa, trân trọng những giá trị văn hóa lịch sử của cha ông để lại.

Các vị thuốc phòng bệnh được giới thiệu tại hoạt động tái hiện Tết Đoan Ngọ năm 2019.

Các vị thuốc phòng bệnh được giới thiệu tại hoạt động tái hiện Tết Đoan Ngọ năm 2019.

Với việc bố trí các không gian trải nghiệm, tương tác riêng dành cho học sinh, các em đã thêm hào hứng với những chuyến tham quan di tích, vốn trước đây chỉ đi cho có ít thu được kết quả như mong đợi.

Với nhiều nỗ lực tiếp cận công chúng, hoạt động trưng bày, triển lãm gắn với Hoàng thành Thăng Long thời gian gần đây cũng mang đến nhiều ấn tượng khi được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số.

Trong đó, nổi bật phải kể đến Triển lãm online Tết Đoan Ngọ “Gió lành Đoan Dương” tổ chức giữa tháng 6/2021 tái hiện những phong tục độc đáo đón Tết Đoan Ngọ trong cung đình và những kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của dân gian.

Gần đây là Triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Vị tướng huyền thoại” kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng với các hình ảnh, hiện vật nêu bật dấu ấn của Đại tướng tại Nhà D67, di tích cách mạng gắn với hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…

Những nhân chứng lịch sử tham quan Triển lãm Hà Nội-Những khoảnh khắc tháng 10-1954.

Những nhân chứng lịch sử tham quan Triển lãm Hà Nội-Những khoảnh khắc tháng 10-1954.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cấp các không gian khám phá, tương tác dành cho học sinh; gắn các hoạt động trải nghiệm của thiếu nhi với các trưng bày, triển lãm định kỳ tại khu di sản; hoàn thiện các chuyên đề học tập lịch sử, gắn với chương trình học trên lớp; tăng cường tổ chức một số hoạt động tập thể như chào cờ, hát Quốc ca, kết nạp Đội tại khu di sản.

Trung tâm cũng sẽ tổ chức lễ dâng hương, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, cũng như đổi mới, bổ sung một số nội dung chuyên đề lịch sử như: Trạng nguyên Thành Thăng Long, Điện Kính Thiên trong lịch sử…

Bên cạnh đó, Trung tâm đưa nội dung giáo dục môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa vào chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long… nhằm đa dạng hóa phương thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục di sản.

Đưa Di Sản Đến Gần Hơn Với Công Chúng Qua Hoạt Động Du Lịch

Nhằm phát huy những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long, thời gian qua, thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã thực hiện các giải pháp khác nhau, trong đó có đẩy mạnh hoạt động du lịch để công chúng có nhiều cơ hội tiếp cận và tìm hiểu ý nghĩa di sản đặc biệt này.

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm của Thủ đô Hà Nội, gần nhiều điểm di tích nổi tiếng khác như Lăng Bác, Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Phố cổ Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám, làng cổ Đông Ngạc…, Hoàng thành Thăng Long có nhiều điều kiện thuận lợi để kết nối với các điểm đến khác, hình thành những tour, tuyến đặc sắc.

Từ một khu di tích “kín cổng cao tường”, đến nay, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn của thủ đô; mức thu tăng trung bình mỗi năm gần 30%.

Từ năm 2013, di sản văn hóa đặc biệt này bắt đầu đón khách tham quan. Từ một khu di tích “kín cổng cao tường”, đến nay, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn của thủ đô; mức thu tăng trung bình mỗi năm gần 30%.

Bên cạnh đầu tư cho hệ thống chỉ dẫn, thuyết minh tại các điểm di tích, cải tạo cảnh quan khu vực, thi công tiểu cảnh theo mùa để thu hút du khách, tại đây còn cung cấp nhiều dịch vụ giúp tăng cường trải nghiệm du khách như dâng hương tưởng niệm các bậc tiên đế, chụp ảnh trang phục hoàng cung, thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian hoàng cung… Nhờ đó, lượng khách đến với Hoàng thành Thăng Long không ngừng tăng qua các năm.

Đoàn học sinh tiểu học và du khách tham quan di tích theo hướng dẫn của hướng dẫn viên.

Đoàn học sinh tiểu học và du khách tham quan di tích theo hướng dẫn của hướng dẫn viên.

Nếu năm 2013 mới chỉ có khoảng 120 nghìn lượt khách thì đến năm 2019, lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long đã đạt hơn 517 nghìn lượt, thu phí hơn 10,5 tỷ đồng.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội đã kết nối chặt chẽ với Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm đầu tư xúc tiến Thương mại và Du Lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO để quảng bá rộng rãi hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long trong các chương trình xúc tiến du lịch tại Hà Nội và các tỉnh, thành; tham gia Ngày hội kích cầu du lịch, Tháng khuyến mại Hà Nội…để quảng bá hình ảnh và các chương trình du lịch của Hoàng thành Thăng Long.

Toàn cảnh và bên trong Di tích cách mạng Nhà D67 hiện nay.

Toàn cảnh và bên trong Di tích cách mạng Nhà D67 hiện nay.

Từ cuối năm 2020 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã phối hợp Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Cùng với đó là tour “Chạm vào quá khứ”, đưa du khách tham quan khu di sản với lộ trình cơ bản, nhấn vào các điểm tham quan nổi bật nhất như Đoan Môn, chiêm ngưỡng những di vật quý giá phát lộ từ lòng đất, khám phá Nhà D67, dâng hương tưởng nhớ các vị tiên đế, trải nghiệm nước giếng Hoàng cung…, thu về nhiều đánh giá tích cực từ du khách.

Với mong muốn nâng cấp các giá trị tiện ích và làm mới hơn trải nghiệm của du khách tại Hoàng thành Thăng Long, thời gian gần đây, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để xây dựng sản phẩm tham quan, du lịch được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội vô cùng coi trọng.

Tiêu biểu phải nói đến việc xây dựng hệ thống thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh, màn hình tương tác diễn giải lịch sử, xây dựng cơ sở dữ liệu 3D về di tích, di vật…

Khách tham quan trưng bày bảo vật hoàng cung.

Khách tham quan trưng bày bảo vật hoàng cung.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng công nghệ số để phát huy giá trị di tích càng được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội nghiên cứu, đẩy mạnh. Một trong những dấu ấn nổi bật là việc xây dựng tour tham quan ảo 360 độ di tích Nhà và hầm D67 nằm trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long, giúp công chúng tìm hiểu không gian kiến trúc chân thực, sinh động cùng các thông tin về hiện vật tiêu biểu của Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam những năm 1968-1975.

Cùng với đó là tour tham quan ảo Nhà trưng bày “Lịch sử nghìn năm từ lòng đất” với năm gian phòng chính cùng hàng trăm hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được khai quật tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu từ thời Đại La đến thời Đinh- Lý- Trần- Lê- Mạc- Lê Trung hưng- Nguyễn; tour tham quan ảo Hầm chỉ huy tác chiến Bộ tổng tham mưu…

Hoàng thàng Thăng Long sở hữu những di tích, di vật khảo cổ học trong lòng đất, và cả những di sản trên mặt đất. Đây là đề tài hấp dẫn với các nhà khoa học và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã xây dựng Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, thực hiện mục tiêu đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản giữa lòng Thủ đô.

Trên cơ sở đồ án Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt ngày 21-8-2015; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã xây dựng Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, bao gồm nhiều dự án thành phần, thực hiện mục tiêu đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản giữa lòng Thủ đô.

Để làm được điều này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của các ban, ngành chức năng, cơ quan quản lý, các nhà khoa học và cả người dân trên cơ sở tham vấn kinh nghiệm quản lý, bảo tồn di sản từ thế giới.

Ngày xuất bản: 1/10/2022
Tổ chức thực hiện: HỮU VIỆT - HỒNG MINH
Nội dung: HỒNG TRANG
Trình bày: NGUYỄN NAM - NGỌC BÍCH
Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH, Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội