EU vơi nỗi lo "thảm họa khí đốt"

Với việc tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ và "thắt lưng buộc bụng" trong sử dụng năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) có thể tránh được "thảm họa khí đốt" trong mùa đông năm nay. Tuy nhiên, dù tạm vơi nỗi lo về khủng hoảng năng lượng, những thách thức lớn vẫn chờ đợi các quốc gia trong khối trong năm 2023 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm nén khí đốt Bulgartransgaz tại Ihtiman, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trạm nén khí đốt Bulgartransgaz tại Ihtiman, Bulgaria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại một diễn đàn về năng lượng ở London (Anh) mới đây, Giám đốc điều hành công ty thương mại đa quốc gia Trafigura B.Luckock đánh giá, châu Âu có thể tránh được "thảm họa khí đốt" trong mùa đông năm nay nhờ nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu giảm và chiến lược dự trữ hiệu quả. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định, với các kho dự trữ khí đốt đầy gần 90%, châu Âu sẽ "sống sót" qua mùa đông với điều kiện là không có những vấn đề đột xuất về kỹ thuật hoặc biến động chính trị.

Theo số liệu mới được Mỹ công bố, lượng khí đốt nước này xuất khẩu sang Pháp tăng 421% trong tám tháng tính từ đầu năm 2022, trong khi giá trị xuất khẩu tăng tới 1.094% chỉ tính riêng trong tháng 8. Với thị trường Croatia, các số liệu tương ứng là 281% và 1.195%, Anh là 216% và 6.797%.

Một trong những nguyên nhân là do xuất khẩu khí đốt của Mỹ chuyển hướng khỏi các thị trường ngoài châu Âu. Khí đốt tự nhiên, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), hiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ ba của Mỹ, tăng 4 bậc so với cùng kỳ năm 2020 và tới 15 bậc so với năm 2016. Trong khi đó, xăng và dầu lần lượt chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai. Trước đây, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Mỹ là máy bay.

Một thông tin tích cực nữa với các quốc gia EU là Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga vừa thông báo sẽ nối lại xuất khẩu khí đốt sang Italia, trung chuyển qua lãnh thổ Áo, sau khi tạm ngưng cuối tuần trước.

Theo Gazprom, hãng này và các khách hàng ở Italia đã tìm ra giải pháp về mua bán khí đốt sau khi Áo điều chỉnh một số quy định liên quan. Phía Áo khẳng định sẵn sàng thông qua các vận đơn của Công ty Gazprom Export cho phép nối lại trung chuyển khí đốt của Nga qua Áo.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, Gazprom cho biết việc trung chuyển khí đốt qua Áo đã bị tạm ngừng sau khi công ty vận hành hệ thống đường ống từ chối thông qua vận đơn. Phía Áo tuyên bố Gazprom đã không ký các hợp đồng cần thiết.

Bên cạnh việc nối lại nguồn cung khí đốt từ Nga, Chính phủ Italia đã ký các thỏa thuận mới với các nhà cung cấp khí đốt khác (như Algeria và một số nước Bắc Âu) để giảm sự phụ thuộc vào Nga, đồng thời đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng.

Cùng với việc cải thiện nguồn cung khí đốt, chiến lược tiết kiệm năng lượng cũng giúp vơi bớt quan ngại về khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

Trong báo cáo thị trường khí đốt hằng quý vừa công bố, IEA cho biết, tại châu Âu, tiêu thụ khí đốt đã giảm 10% trong tám tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, do lĩnh vực công nghiệp giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt khi các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng bởi chi phí sản xuất tăng cao.

Theo Giám đốc điều hành công ty thương mại đa quốc gia Trafigura, nhu cầu năng lượng trong ngành công nghiệp giảm 25-30%, cộng với chiến lược quản lý dự trữ hiệu quả cùng lượng khí tự nhiên hóa lỏng tăng có thể giúp châu Âu vượt qua mùa đông năm nay.

Tuy nhiên, dù các quốc gia EU tạm thoát hiểm qua mùa đông giá lạnh 2022 thì những thách thức trong năm 2023 vẫn rất lớn.

Châu Âu sẽ cần một lượng khí đốt lớn để lấp đầy kho lưu trữ trong mùa đông năm sau và những năm tiếp theo trong bối cảnh nguồn cung giảm mạnh và Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu. Năm 2021, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Tuy nhiên, con số này hiện giảm còn chưa tới 10%.

Trong khi đó, giới phân tích ước tính châu Âu cần nhập khẩu khoảng 200 triệu tấn LNG trong mười năm tới để thay thế lượng khí đốt của Nga. Ðức - khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga tại châu Âu, sẽ cần khoảng 40 triệu tấn LNG để thay thế 50 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu từ Moskva qua đường ống Dòng chảy phương Bắc.

IEA mới đây cũng đã cảnh báo châu Âu có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào năm tới sau khi rút cạn kho dự trữ khí đốt để vượt qua cái lạnh của mùa đông năm nay.

Những thách thức nêu trên của EU cũng là mối lo chung của kinh tế khu vực và toàn cầu bởi trong bối cảnh "mây đen khủng hoảng" kinh tế đang gia tăng, khủng hoảng năng lượng tại EU sẽ khiến khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra nhanh hơn và nghiêm trọng hơn.