Lệnh trừng phạt và hệ lụy hai chiều

Sau một loạt biện pháp trừng phạt gay gắt nhằm vào Nga, hôm 6/10, Liên minh châu Âu (EU) áp đặt gói trừng phạt mới nhất, mở rộng các lệnh cấm đối với thương mại và các cá nhân của Moskva. “Làn sóng trừng phạt” đang vùi dập nền kinh tế Nga, song cũng gây tổn hại nghiêm trọng cho chính các nước EU.
0:00 / 0:00
0:00
EU đã áp dụng gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
EU đã áp dụng gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gói trừng phạt mới nhất nêu trên là gói biện pháp trừng phạt thứ 8 mà EU áp đặt đối với Nga, sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm nay. Các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào Nga bao gồm cấm nhập khẩu sản phẩm thép, gỗ, giấy và các hàng hóa khác từ Nga cũng như cấm cung cấp một loạt dịch vụ như công nghệ thông tin, kỹ thuật và pháp lý cho các công ty của Xứ sở Bạch dương.

Báo chí châu Âu cho biết, EU cũng cấm nhập khẩu sản phẩm chế tạo máy, kỹ thuật gia dụng, sản phẩm hóa học, nhựa và thuốc lá của Nga. Ngoài ra, các quốc gia ở Lục địa già cũng sẽ áp đặt giá trần với dầu mỏ của Nga và đưa hàng chục cá nhân của Nga vào danh sách trừng phạt… Về phía Nga, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã gọi các đề xuất áp đặt hạn chế đối với giá dầu mỏ của Nga là “hoàn toàn vô lý”. Ông cảnh báo Moskva sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu cho các nước quyết định hạn chế giá dầu của Nga.

Các lệnh trừng phạt của EU đang gây khó khăn nghiêm trọng cho kinh tế Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov vừa nhận định, nền kinh tế đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế của Nga sẽ sụt giảm ít hơn dự báo trước đó trong năm nay và trở lại tăng trưởng vào năm 2024 nhờ nhu cầu và hoạt động đầu tư trong nước.

Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2022 sẽ giảm khoảng 2,9%, tăng so với mức dự báo giảm 4% đưa ra trước đó. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức giảm 6% cho Nga trong năm nay. Theo Bộ trưởng Reshetnikov, GDP của Nga sẽ giảm 0,8% vào năm 2023 do xuất khẩu giảm.

Cùng với kinh tế suy giảm, môi trường đầu tư khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy mạnh khỏi Nga. Tháng 8 vừa qua, công ty Ericsson của Thụy Ðiển thông báo sẽ rút dần khỏi Nga trong những tháng tới trong khi Nokia của Phần Lan cho biết có kế hoạch rút trước cuối năm nay. Công ty Logitech International có trụ sở tại Thụy Sĩ cũng sẽ giảm dần hoạt động còn lại tại Nga sau khi bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động từ hồi tháng 3.

Mới đây, Tập đoàn Dell Technologies Inc. của Mỹ cũng thông báo đã ngừng mọi hoạt động tại Nga sau khi đóng cửa văn phòng vào giữa tháng 8. Công ty máy tính của Mỹ này, vốn là nhà cung cấp máy chủ quan trọng ở Nga, đã đóng cửa các văn phòng của mình và ngừng mọi hoạt động tại Nga. Trước đó, hàng trăm công ty của phương Tây, từ Ikea tới Coca-Cola, Goldman Sachs và McDonald’s... đã ngừng hoạt động tại Nga.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của EU không chỉ cản bước kinh tế Nga, mà còn đang gây ra các hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” với các nền kinh tế thuộc EU. Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto cho rằng, các biện pháp trừng phạt Moskva đang gây thiệt hại cho chính châu Âu và là “thất bại hoàn toàn”. Ông Szijjarto nói trên kênh phát thanh MR1 rằng, các lệnh trừng phạt của EU là nguyên nhân khiến lạm phát của khối tăng vọt, chi phí tiện ích, giá khí đốt tự nhiên và giá thực phẩm đều tăng, trong khi kinh tế châu lục đi vào suy thoái.

Nhận định về gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga vừa được công bố hôm 6/10, ông Szijjarto cho rằng đây là một hướng đi sai và khẳng định Hungary không chấp nhận bất kỳ biện pháp trừng phạt nào gây nguy hiểm cho nguồn cung năng lượng của mình. Các công ty của châu Âu cũng đã chịu thiệt hại rất lớn sau khi chấp hành các lệnh trừng phạt Nga. Mới đây, Tập đoàn dầu mỏ Shell (Anh) cho biết, họ sẽ phải chịu thiệt hại lên tới 5 tỷ USD khi rời khỏi Nga.

Xem ra làn sóng trừng phạt mà EU áp đặt với Nga đang kéo kinh tế của cả hai bên đến bờ vực suy thoái. Nếu cuộc chiến trừng phạt vẫn tiếp diễn, không chỉ kinh tế Nga xuống dốc không phanh, mà chính EU sẽ lâm cảnh “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”. Ðây là lý do khiến Cố vấn của Thủ tướng Hungary về các vấn đề chính trị, ông Balazs Orban tháng trước đã lên tiếng trên mạng xã hội và nhấn mạnh rằng, các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt với Nga không đạt được như kỳ vọng, do đó, chúng có thể sẽ được xem xét lại.